Năm 2013, từ chung cư cao cấp Thái Bình Plaza, chủ đầu tư đã chuyển thành bệnh viện mang tên Phúc An Khang, tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động thua lỗ, tới năm 2019 bệnh viện này lại xin chuyển về làm chung cư.
Năm 2013, từ chung cư cao cấp Thái Bình Plaza, chủ đầu tư đã chuyển thành bệnh viện mang tên Phúc An Khang, tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động thua lỗ, tới năm 2019 bệnh viện này lại xin chuyển về làm chung cư.
Tới cuối năm 2021, chủ đầu tư mới của dự án này đã tiến hành lễ khởi công xây dựng dự án, tuy nhiên, sau lễ khởi công này toàn bộ dự án đã dừng triển khai.
Hết đổi công năng tới đổi chủ
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2008, Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương chính thức động thổ xây dựng dự án Chung cư cao cấp mang tên Thái Bình Plaza, dự án được diện tích 14.000 m2 tại vị trí đặc địa 4 mặt tiền trên đường Đồng Văn Cống khu trung tâm đô thị mới Thạnh Mỹ Lợi quận 2 cũ nay là TP Thủ Đức. Dự án gồm 5 block chung cư, mỗi block cao 20 tầng gồm 360 căn hộ có diện tích từ 120 – 180 m2.
Nằm tại trục đường chính Đồng Văn Cống, dự án với tên gọi đầu tiên là Chung cư cao cấp Thái Bình Plaza. Ảnh: Gia Huy |
Tới năm 2010, dự án chính thức được hoàn thiện. Sau đó, tháng 10/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cấp 370 sổ hồng cho các sản phẩm tại dự án. Tuy nhiên, dù dự án đã xây dựng xong, cũng như được cấp số lượng sổ hồng, nhưng việc bán hàng lại không hiệu quả vì khách hàng không mua nhà.
Theo ông Lê Văn Thạch, một vị tổng giám đốc từng tham gia bán nhà tại dự án này thời điểm dự án xây dựng cho biết, khi đó khu vực Thạnh Mỹ Lợi rất vắng người sinh sống, cộng thêm giá nhà phố, đất nền khi đó khá rẻ, nhưng chủ đầu tư đưa ra giá bán cao nên khách hàng không mua. Tới năm 2010, khi dự án hoàn thiện cũng là lúc thị trường bất động sản tại TP.HCM lâm vào cảnh đóng băng và chủ đầu tư buộc phải dừng bán dự án.
Do không thể bán được nhà, tới năm 2013, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đá Xây dựng Bình Dương xin được chuyển công nặng hoạt động của dự án từ chung cư thành bệnh viện.
Sau khi chuyển từ chung cư qua Bệnh viện Phúc An Khang, dự án tiếp tục rơi vào cảnh hoang tàn. Ảnh: Gia Huy |
Để quản lý và vận hành cơ sở y tế này, chủ đầu tư đã cùng các cổ đông thành lập ra Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang. Công ty này được sáng lập bởi 8 cổ đông, bao gồm: Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương (16,67% vốn điều lệ); cùng các cá nhân Diệp Văn Phát (25%), Diệp Thị Kim Mai (8,33%), Diệp Hữu Tinh (8,33%), Diệp Thị Kim Xuân (8,33%), Diệp Vĩnh Sanh (8,33%), Mai Tiến Dũng (8,33%) và Lê Thị Mỹ (16,67%), với vốn điều lệ 60 tỷ đồng.
Tới năm 2015, bệnh viện chính thức được đưa vào hoạt động với quy mô 500 giường, nhưng chỉ sau 2 năm hoạt động, bệnh viện này đã chính thức đóng cửa vào tháng 4/2017 với lý do thua lỗ.
Được biết, dự án này cũng được chủ đầu tư dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng Sacombank. Sau đó, dự án này đã được đưa vào nhóm nợ xấu và được Sacombank chào bán.
Cuối năm 2021, chủ đầu tư mới là Công ty Hacos đã khởi động lại dự án bằng việc đập bỏ các bức tường ngăn của các phòng trong toàn bộ các tháp toà nhà. Ảnh: Gia Huy |
Vào năm 2019, đã từng có thông tin Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land, nay là Công ty cổ phần Địa ốc Trường Sơn Land mua lại dự án này. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp này thông báo không mua lại dự án trên.
Tuy nhiên, sau đó đơn vị mua thành công là Tập đoàn Hacos Group. Sau khi mua thành công dự án này, chủ đầu tư mới đã xin được chuyển đổi công năng từ bệnh viện sang nhà ở.
Đến ngày 12/11/2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có công văn số 5287/SQHKT-QHKTT về việc ý kiến chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng – phương án kiến trúc dự án khu chung cư cao tầng tại địa điểm số 800 đường Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (với chức năng chính: chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ; tầng cao tối đa: 23 tầng; quy mô dân số tối đa: 1.040 người).
Sau khởi công lại bất động
Tín hiệu tiếp theo cho thấy dự án trở lại thị trường đó là vào cuối năm 2021, dự án này có động thái mới. Đó là việc Tập đoàn Hasco Group đã tổ chức khởi công xây dựng dự án này.
Theo thông báo của Hasco đơn vị này sẽ là chủ đầu tư mới của dự án, đơn vị nhà thầu thi công là Coteccons, dự án cũng đổi tên thành chung cư Swiss-Belresidences Upper East Saigon.
Sau ngày khởi công lại dự án, tới nay dự án này tiếp tục rơi vào cảnh “đắp chiếu” không có dấu hiệu xây dựng trở lại. |
Tập đoàn Hacos Group được biết đến là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản có trụ sở chính tại TP. Hà Nội với các cổ đông chính là ông Vũ Đức Dũng (10%), bà Nguyễn Thị Ánh (70%) và ông Nguyễn Đức Thuận (20%). Trong đó bà Ánh đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc doanh nghiệp, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 425 tỷ đồng.
Ngày 4/12, phóng viên có mặt tại dự án này. Theo ghi nhận thực tế, hiện nay dự án này vẫn bất động và được quây tôn kín. Các tầng của các toà nhà hiện nay đã bị phá các bức tường ngăn cách chỉ còn bộ khung.
Được biết, dự án tới nay vẫn chưa được cấp giấy phép sửa chữa xây dựng trở lại. Chính vì vậy, hiện vẫn chưa biết ngày tiếp theo dự án được xây dựng là khi nào. Ảnh: Gia Huy |
Bà Lê Thị Ngoan, người dân sinh sống cạnh dự án này cho biết dự án này năm 2021 khởi công xây dựng, sau đó thợ xây đập bỏ các bức tường của các dãy nhà nhưng tới đầu năm 2022 thì dừng thi công cho tới nay.
Được biết, việc dừng thi công này đến từ việc Sở Xây dựng TP.HCM và UBND TP. Thủ Đức yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công bởi chưa được cấp phéo sửa chữa xây dựng.
Theo giới phân thích, dự án này nằm ở vị trí khác đắc địa. Tuy nhiên, việc dự án đã từng chuyển qua làm bệnh viện và giờ đây chuyển lại thành chung cư và bán với giá khá cao sẽ rất khó hồi sinh.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/benh-vien-phuc-an-khang-xin-chuyen-qua-chung-cu-gio-ra-sao-d231680.html