Đại diện Bộ Y tế khẳng định luôn khuyến khích Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ghép gan cho trẻ em, song song hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Khẳng định này được ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – trao đổi với phóng viên báo chí sau sự kiện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thông báo ghép tạng trở lại sau 8 tháng gián đoạn.
Các khó khăn cơ bản được giải quyết?
Khi đi vào hoạt động ghép tạng trở lại, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 cho rằng các khó khăn trước đó về chứng chỉ hành nghề, nhân lực, phòng mổ và kinh phí… cơ bản đã được giải quyết.
“Có sự chỉ đạo từ Sở Y tế, hiện hai phòng mổ đã được giải quyết, chương trình hợp tác với Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn sẽ tiếp tục như trước, nguồn kinh phí cũng được huy động từ các nguồn xã hội đảm bảo hỗ trợ các em” – lãnh đạo bệnh viện chia sẻ.
Như vậy, song song việc tái ghép tạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang chờ Bộ Y tế thẩm định, thông qua các đề án ghép tạng (gan, thận) trẻ em. Đây được xem là “nút thắt” để việc ghép tạng trẻ em không bị gián đoạn như thời gian qua.
Theo tìm hiểu, ngày 7-6 vừa qua Bệnh viện Nhi đồng 2 có tờ trình, kèm các đề án gửi Sở Y tế TP.HCM xem xét thẩm định, công nhận đơn vị là cơ sở y tế đủ điều kiện lấy, ghép gan cũng như ghép thận (gọi chung ghép tạng) từ người hiến sống và người cho chết não.
Trong tờ trình này, Giám đốc Bệnh viện khẳng định đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định để triển khai kỹ thuật lấy ghép tạng.
Sở Y tế TP.HCM sau đó (ngày 16-6) cũng có văn bản gửi Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị cấp giấy phép đăng ký hoạt động ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Trong văn bản này, Sở Y tế TP.HCM khẳng định Bệnh viện Nhi đồng 2 là cơ sở y tế hạng 1, tuyến cuối về điều trị nhi khoa ở TP.HCM. Bệnh viện cũng đã thực hiện nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, đặc biệt là lấy ghép gan và thận.
Dự kiến khi các đề án được thông qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 có thể ghép gan cho ba bệnh nhi/tháng, trước đó chỉ ghép được một ca/tháng.
Bộ Y tế ủng hộ, không cấm ghép tạng
Trao đổi với phóng viên báo chí ngày 26-6, ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – tỏ ý không đồng tình việc Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm ngưng ghép tạng suốt thời gian dài.
Bởi theo ông, thực tiễn ghép tạng đã được bệnh viện triển khai an toàn nhiều năm nay, khi có vấn đề liên quan quy trình thủ tục bệnh viện chỉ cần báo cáo, xin bổ sung là được. Bộ Y tế rất khuyến khích, không cấm.
“Theo Luật Hiến ghép mô tạng, bệnh viện phải hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục về pháp lý. Đây là vấn đề điều hành chưa đúng và bệnh viện phải thừa nhận thiếu sót này, còn ghép tạng cần phải được duy trì, sao cho đảm bảo an toàn cho người bệnh và cho bác sĩ” – ông Khuê nói và khẳng định Bộ Y tế sẽ giải quyết ngay các kiến nghị từ Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo ông Khuê, điều khó khăn nhất hiện nay là nguồn tạng hiến quá khan hiếm. Và để giải quyết cần phải vận động cộng đồng hiến tạng, đặc biệt Bộ Y tế cũng đang xem xét nhằm sửa lại Luật Hiến ghép mô tạng theo hướng nới rộng đối tượng được hiến tạng.
Tuy vậy ông cho rằng việc Luật Hiến ghép mô tạng hiện nay chưa cho phép trẻ dưới 18 tuổi hiến cũng có lý do đặc biệt. “Tạng của trẻ ở độ tuổi này chưa hoàn chỉnh, khi lấy ghép cho một trẻ khác chưa thực sự phù hợp” – ông Khuê đặt vấn đề.
Được giao trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam
Từ năm 2004, Bệnh viện Nhi đồng 2 được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép gan ở trẻ em. Từ đó đến nay, ngoài các chuyên gia nước ngoài, bệnh viện còn phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghép gan và Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thận cho trẻ.
Tổng số ca ghép gan thực hiện tại bệnh viện là 25 ca. Từ tháng 10-2022, Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm ngưng ghép gan, điều này khiến cơ hội sống của nhiều trẻ em bị đe dọa.
Hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 được giao nhiệm vụ sẽ trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu cho bệnh nhi tại Việt Nam.
(Theo TTO)