Ngày 25.11, tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐH Y Dược TP.HCM), cho biết chứng nhận kim cương là chứng nhận cao nhất dành cho các đơn vị và trung tâm đột quỵ đạt hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt do WSO đề ra.
Các chỉ số cần đạt được liên quan đến quy trình cấp cứu và điều trị đột quỵ gồm thời gian từ cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tan cục máu (thời gian cửa – kim), thời gian từ lúc người bệnh tới cửa bệnh viện đến khi được đâm kim can thiệp lấy huyết khối (thời gian cửa – can thiệp), tỉ lệ người bệnh được chụp CT hoặc MRI cấp cứu, tỉ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông…
Đạt thời gian cửa – kim không quá 30 phút
BV ĐH Y Dược TP.HCM đã đạt được một loạt các chỉ số chất lượng cao nhất trong lĩnh vực này. Các chỉ số đáng chú ý bao gồm thời gian cửa – kim (thời gian từ cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tan cục máu) không quá 30 phút so với tiêu chuẩn chung là dưới 60 phút. Thời gian cửa – can thiệp nằm trong mức tối ưu (thời gian từ cửa bệnh viện đến khi được đâm kim can thiệp lấy huyết khối); 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chẩn đoán bằng CT hoặc MRI trong vòng 15 phút đầu tiên, trong khi mức tiêu chuẩn đặt ra là 45 phút.
Đáng chú ý nhất, tỷ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông hiện nay đã đạt mức hơn 25%. Không có bất kỳ ca bệnh đột quỵ nào bị bỏ sót hoặc chậm trễ trong quá trình cấp cứu, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện. Đây cũng chính là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn, cơ sở vật chất và dịch vụ chăm sóc của toàn thể bệnh viện nói chung và Đơn vị Đột quỵ nói riêng.
Tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, 24/24 giờ đều có đội cấp cứu đột quỵ hoàn chỉnh trực sẵn sàng tại bệnh viện, bao gồm bác sĩ chuyên khoa thần kinh – đột quỵ, bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu, bác sĩ và kỹ thuật viên chụp CT, MRI và nhóm can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Với hệ thống máy móc và phương tiện kỹ thuật hiện đại, bệnh viện có thể thực hiện được mọi kỹ thuật cấp cứu đột quỵ tiên tiến trên thế giới.
Ứng dụng trí tiệu nhân tạo trong điều trị đột quỵ cấp cứu
Bệnh viện cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị đột quỵ cấp và đánh giá điều trị nhồi máu não để có thể cấp cứu cả những người bệnh không may đến muộn, cho tới 24 giờ sau khởi phát bệnh. Đặc biệt, với thế mạnh đa chuyên khoa phối hợp nhịp nhàng, nhiều trường hợp người bệnh đột quỵ có bệnh lý phức tạp được hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và phục hồi cho người bệnh.
Tại Đơn vị Đột quỵ, BV ĐH Y Dược TP.HCM, ngay khi người bệnh được đưa tới bệnh viện, quy trình cấp cứu đột quỵ sẽ được kích hoạt. Quá trình phục hồi chức năng sẽ được xây dựng dựa trên những chuyển biến của người bệnh đột quỵ ngay sau khi cấp cứu. Từ đó, đưa ra những phương pháp cải thiện chức năng phù hợp thể trạng, giúp người bệnh thích ứng nhanh với những thay đổi của cơ thể, sớm quay trở lại cuộc sống hằng ngày.
Bác sĩ Thắng lưu ý hiện nay vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như: cạo gió, trích máu, cúng bái, uống thuốc truyền miệng, vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách, gây nhiều hậu quả đáng tiếc.
“Nên ghi nhớ các dấu hiệu và cách xử trí bằng câu: “Méo cười, ngọng nói, xụi tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ”, nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu và điều trị kịp thời”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.