Khi trẻ bị sốt, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không được tự ý điều trị tại nhà. |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay đang chuẩn bị bước vào tháng cao điểm mùa dịch SXH, số ca mắc liên tục tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố và tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực phía Nam khi trong 18 tuần đầu năm đã ghi nhận 21.674 ca mắc SXH, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2022, có 4 trường hợp tử vong.
Riêng tỉnh Cà Mau, ghi nhận số ca mắc SXH trong 19 tuần là 299 ca, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2022, không có trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca mắc cao là huyện Trần Văn Thời, Ðầm Dơi và TP Cà Mau. Nguyên nhân tăng do diễn tiến bệnh hiện đang vào đầu chu kỳ tăng hàng năm và diễn tiến thời tiết bắt đầu có những cơn mưa xuất hiện, tạo điều kiện cho trứng muỗi nở, tạo lăng quăng.
Theo Bác sĩ Ðoàn Văn Nam, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Trên địa bàn tỉnh, hàng năm đều thực hiện kế hoạch Lễ ra quân hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH 15/6 (Chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1); thực hiện Tháng cao điểm phòng chống SXH vào tháng 7, 8 hàng năm (Chiến dịch diệt lăng quăng vòng 2); tổ chức diệt lăng quăng tại các xã nguy cơ cao vào mùa cao điểm. Cùng với đó, để dập dịch, các địa phương chủ động phun hoá chất diện rộng triệt để tại nơi có nguy cơ bùng phát dịch và khống chế thành công dịch bệnh”.
SXH có triệu chứng giống với cúm, thường kéo dài từ 2-7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Người bệnh sốt cao và thường kèm theo những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, đau mỏi cơ, xương hay khớp, phát ban… Khi tiến triển thành SXH nặng, giai đoạn biến chứng nặng xảy ra vào ngày thứ 3-7 sau khi bệnh khởi phát. Nhiệt độ cơ thể giảm nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, cần phải đặc biệt theo dõi những dấu hiệu như đau bụng cấp, nôn dai dẳng, chảy máu chân răng, nôn ra máu, thở gấp, mệt mỏi, bứt rứt, vì bệnh có thể tiến triển thành SXH nặng.
Bệnh SXH là bệnh nguy hiểm vì hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Cho nên, khi phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và bệnh viện, cần xử lý ổ dịch triệt để, không cho dịch bệnh lây lan và bùng phát. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể tích cực ủng hộ, phối hợp với ngành y tế kiểm tra, giám sát, truyền thông, xử lý dịch./.
Quỳnh Anh