Người bệnh dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng ra sao?
Sản xuất tinh vi
Mới đây, Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”. Nhóm này đã sản xuất các loại tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh phổ biến.
Theo Công an TP Thanh Hóa, dưới vỏ bọc là dược sĩ chuyên mua bán thuốc cho các công ty dược, nhóm người này thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị trường.
Sau đó dùng hóa chất tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc, tạo thành loại thuốc mới.
Bên cạnh đó, nhóm còn thu mua tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, rồi ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc. Sau đó đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.
Thông qua mạng xã hội, những người này quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của công ty chính hãng “tuồn” ra tiêu thụ tại đại lý thuốc tây trong cả nước.
Bằng thủ đoạn nêu trên, họ đã bán ra ngoài thị trường số lượng lớn thuốc tân dược giả cho người tiêu dùng. Trong quá trình phá án, cảnh sát của đơn vị đã khám xét khẩn cấp năm địa điểm là nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của các bị can ở TP Hà Nội, Cần Thơ, Bến Tre.
Qua khám xét, công an thu giữ các sản phẩm tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh gồm: 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg…
Cũng tại Thanh Hóa, trước đó Công an TP cũng khởi tố vụ án liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán giả thực phẩm là thực phẩm chức năng. Sau khi phát hiện, mở rộng điều tra, Công an TP đã khám xét 10 địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, sản xuất, cất giấu hàng hóa của nghi phạm tại TP Hà Nội.
Tại đây, công an thu giữ nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng giả gồm hơn 4.000 hộp an cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm thành phẩm.
Làm việc với cơ quan công an, bước đầu các bị can khai nhận từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã sản xuất, bán ra thị trường hơn 20.000 hộp viên an cung hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm giả, với trị giá tương đương khoảng 50 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, rất nhiều vụ việc các nhóm tội phạm giả danh bác sĩ để lừa đảo bán thực phẩm chức năng. Không ít người bệnh trở thành nạn nhân của những chiêu trò này.
Hiểm họa khôn lường
Rất nhiều trường hợp người bệnh bị bệnh nặng hơn khi uống phải thuốc giả hay thực phẩm chức năng kém chất lượng. Trường hợp mới đây là một phụ nữ (67 tuổi, tỉnh Phú Thọ) phải nhập viện sau khi sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Người phụ nữ này cho biết, sau nhiều ngày tham dự một hội thảo được tổ chức ở địa phương, người bệnh được một công ty ưu đãi bán rẻ cho 20 lọ thực phẩm chức năng. Khi sử dụng lọ đầu tiên, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa.
Sau khi sử dụng đến lọ thứ 5, ngoài rối loạn tiêu hóa, người bệnh còn cảm thấy tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng. Tại bệnh viện, người phụ nữ được chỉ định ngưng sử dụng thực phẩm chức năng, điều trị triệu chứng.
Theo ông Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua trung tâm đã tiếp nhận những trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng có chứa chất cấm.
Trong đó có trường hợp bệnh nhân hôn mê, co giật, tổn thương não, phải cấp cứu điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy những loại sản phẩm này có chứa chất cấm, ảnh hưởng đến sức khỏe như Sibutramine, Phenolphtalein…
Thậm chí có những chất chỉ được phép có trong thuốc, nhưng lại được cho vào thực phẩm chức năng, người bệnh uống phải những chất này rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì hoàn toàn không thể kiểm soát chất lượng và liều lượng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), cũng cho rằng thuốc kém chất lượng, thuốc giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đối với các loại thuốc tân dược nói chung, nếu các chất thành phần không đảm bảo, gây độc cho gan, thận hoặc dị ứng, thậm chí có thể gây sốc phản vệ.
Bên cạnh đó, nếu không may dùng phải thuốc giả, người bệnh và bác sĩ chủ quan khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị. Đồng thời gây ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ, cơ sở y tế và các nhà sản xuất uy tín. Vì vậy cần có những biện pháp chặt chẽ để quản lý thuốc giả.
Theo bác sĩ Hoàng, việc mua phải dược phẩm giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng thường xảy ra ở các nhà thuốc nhỏ lẻ. Đặc biệt, việc mua thuốc trên mạng xã hội vẫn còn phổ biến gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng.
Vì vậy, người dân nên cảnh giác với những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tốt nhất nên lựa chọn những nhà thuốc uy tín, đạt chuẩn để mua thuốc.
Bộ Y tế: Sẽ quản lý chất lượng thuốc chặt chẽ hơn
Mới đây, trả lời cử tri về vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng thuốc, Bộ Y tế cho hay hiện nay đã có các quy định cụ thể liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc, chất lượng thuốc.
Bộ cũng cho hay nhờ áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, nhìn chung tỉ lệ thuốc giả đã giảm trong những năm gần đây, từ trên 7% năm 1991 xuống còn dưới 0,1% những năm gần đây.
“Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp trong việc ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, đạt được những kết quả đáng khả quan, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, tuy nhiên trong thời gian sắp tới cần tiếp tục áp dụng các biện pháp để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, kém chất lượng.
Ngoài ra Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo 389 các cấp; công an, quản lý thị trường, sở y tế các địa phương trong công tác đấu tranh đối với thuốc kém chất lượng; thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/benh-nang-hon-vi-chat-cam-trong-thuoc-gia-thuoc-bo-kem-chat-luong-20240918222014047.htm