Hội thi nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Đối tượng dự thi là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Nội dung dự thi là các kỹ năng hòa giải của hòa giải viên. Kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; các quy định pháp luật hiện hành trong một số lĩnh vực có liên quan như: Dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường…
Hội thi được tổ chức ở 2 cấp (huyện, tỉnh). Cấp huyện: Các huyện, thành phố chủ động tổ chức hội thi bằng hình thức phù hợp, lựa chọn cử 1 đội tham gia hội thi cấp tỉnh gồm 3 thành viên. Trong đó, có 1 thí sinh làm Đội trưởng. Trong trường hợp đã tổ chức hội thi cấp huyện ở các năm 2021, năm 2022, có thể thực hiện lựa chọn hòa giải viên đã tham dự các hội thi đó để tham dự hội thi cấp tỉnh. Thời gian thực hiện: Chậm nhất đến ngày 31-7-2023, UBND các huyện, thành phố gửi báo cáo kết quả tổ chức hội thi (nếu có tổ chức hội thi) và danh sách thành viên đội dự thi về Ban tổ chức hội thi cấp tỉnh (qua Sở Tư pháp).
Hội thi cấp tỉnh được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, với 3 phần thi. Phần thi giới thiệu: Đội thi giới thiệu về các thành viên; đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng các hình thức phù hợp (kể chuyện, thơ, ca, hò, vè…). Phần thi lý thuyết: Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và đưa ra phương án hòa giải 1 tình huống mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật do Ban tổ chức hội thi đặt ra. Phần thi tiêu phẩm: Đội thi dàn dựng và trình diễn tiểu phẩm dưới các hình thức kịch nói, ca kịch và các hình thức khác phù hợp về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực. Đối với phần thi giới thiệu, tiểu phẩm, các đội thi có thể huy động tối đa 5 người tham gia các vai phụ.
Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; truyền thông, phổ biến đến đông đảo cán bộ, Nhân dân các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống của người dân; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tạo diễn đàn giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên và thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9-11-2023.
Tin, ảnh: P. Tuyết