PV: Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong thực hiện công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Bến Tre thời gian qua?
Ông Trịnh Minh Khôi: Thời gian qua, Bến Tre đã tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sự cố môi trường; đặc biệt, 100% thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường đã được xử lý. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nổi cộm như về rác thải, chăn nuôi heo, sản xuất than thiêu kết (than gáo dừa ép viên – PV), xử lý các cơ sở vi phạm về môi trường.
Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Bến Tre đã có nhiều mô hình BVMT, nhất là các mô hình phân loại rác thải tại nguồn gắn với giảm thiểu rác thải nhựa đã đạt được một số kết quả khả quan, mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, công tác truyền thông về BVMT trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, đa dạng với nhiều hình thức. Đồng thời, các chương trình tập huấn, hội thi, tuyên truyền về BVMT đã được Sở TN&MT quan tâm thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân được chú trọng.
Đến nay, các nguồn phát thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre cơ bản đã được kiểm soát, chất lượng môi trường thành phần hầu hết trong giới hạn cho phép, chỉ số môi trường tỉnh cũng được cải thiện hơn qua các năm. Đáng lưu ý nhất là các cấp, ngành, đoàn thể và người dân địa phương từng bước nâng cao nhận thức, xem BVMT là nhiệm vụ quan trọng và đã có những đóng góp tích cực trong công tác BVMT, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
PV: Công tác BVMT trên địa bàn tỉnh hiện nay còn những khó khăn, tồn tại nào, thưa ông?
Ông Trịnh Minh Khôi: Công tác BVMT trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số khăn nhất định. Trong đó, với khối lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh phát sinh hơn 1.000 tấn/ngày, hiện nay, tỉnh đang gặp khó trong công tác xử lý rác thải do Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tạm dừng hoạt động kể từ tháng 10/2022 để khắc phục các vấn đề về môi trường theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh.
Hiện tại, các bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh như: thị trấn Chợ Lách, Bình Đại và xã An Thạnh (Mỏ Cày Nam), Châu Bình (Giồng Trôm) vẫn đang duy trì tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại địa phương, nếu không đầu tư nhà máy xử lý rác thải thì trong thời gian ngắn các bãi rác này sẽ bị lấp đầy. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của tỉnh còn hạn chế nên đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt chưa được đồng bộ với lộ trình triển khai phân loại rác thải tại nguồn, nên tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn của tỉnh còn thấp, năm 2022 đạt khoảng 15%.
Ngoài ra, tình trạng nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực đô thị trên địa bàn cũng chưa được thu gom và xử lý tập trung, vẫn còn tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến chất lượng nước mặt tại các kênh rạch nội đồng có biểu hiện suy giảm. Các hoạt động nuôi trồng và hoạt động sản xuất tại các làng nghề truyền thống có quy mô hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ phát thải nước thải, khí thải chưa được xử lý triệt để đã gây ra sức ép rất lớn đến chất lượng môi trường sống.
PV: Vậy, Sở TN&MT sẽ có giải pháp nào để khắc phục, thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường 2020, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Bến Tre?
Ông Trịnh Minh Khôi: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre ban hành các văn bản quy định BVMT, như: Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Quy định về quản lý chất thải rắn y tế, Quy định về quản lý bùn thải, Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa, Đề án Bến Tre xanh…
Với mục tiêu “Xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Sở TN&MT Bến Tre xác định năm 2023 là năm hành động hướng tới thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trong đó, Sở TN&MT cũng sẽ chủ động, tập trung thực hiện các giải pháp “Chống ô nhiễm nhựa”, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động giải quyết vấn đề rác thải trên địa bàn giai đoạn đến năm 2025.
Trước mắt, Sở TN&MT Bến Tre tham mưu triển khai chương trình, kế hoạch hành động về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn; đồng thời, Sở TN&MT tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương trong công tác BVMT nói chung, nhất là đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền sâu rộng đến người dân về công tác BVMT gắn với quản lý tài nguyên.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng sẽ phối hợp các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre về xây dựng nhà máy xử lý rác theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp rác không đảm bảo vệ sinh; tham mưu và triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh đến 2030; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Bến Tre xanh; phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu công nghệ, mô hình xử lý triệt để chất thải từ hoạt động nuôi trồng và sản xuất tại các làng nghề truyền thống.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!