Nông dân tại khu phố 4, thị trấn Bến Cầu phát hiện lúa Hè Thu xuất hiện rầy phấn trắng.
Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu, hiện nay, các trà lúa vụ Hè Thu trên địa bàn huyện bắt đầu bước vào giai đoạn làm đòng. Qua kiểm tra thực tế ở một số diện tích sản xuất trong vụ lúa trên địa bàn huyện Bến Cầu, cơ quan chuyên môn nhận thấy đã có sự xuất hiện của rầy phấn trắng, có nguy cơ gây hại cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất vụ Hè Thu năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Hậu- Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu cho biết, rầy cánh trắng là loài côn trùng chích hút đa ký chủ, cả ấu trùng và con rầy trưởng thành đều gây hại bằng cách chích hút nhựa lá lúa làm cho cây lúa bị suy dinh dưỡng, lá chuyển sang màu vàng, cây phát triển kém. Rầy thường xuất hiện và phát triển mạnh ở giai đoạn lúa làm đòng, làm bông trổ không thoát ra được, năng suất lúa giảm mạnh.
Theo ông Hậu, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 8.000 ha lúa xuất hiện bọ phấn trắng gây hại, với mật độ khoảng từ 300 – 500 con/m2. Để phòng trừ bọ phấn trắng, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu khuyến cáo người dân nên lựa chọn các giống có tính kháng rầy phấn trắng, nhất là các giống có bộ lá đứng thẳng; thực hiện gieo sạ đồng loạt, không sạ, cấy dày;
Bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa đạm, bón đạm muộn; thường xuyên thăm đồng, nhất là giai đoạn cây lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông để kịp thời phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng trừ như sử dụng thuốc có tác dụng nội hấp lưu dẫn, vừa hạn chế sự ảnh hưởng của thuốc đến các loài có ích trên đồng ruộng, vừa không hại đến môi trường. Khi sử dụng thuốc nông dân nên duy trì mực nước khoảng 10cm trong ruộng đến khi mật độ rầy giảm không có khả năng gây hại mới rút nước để chuẩn bị thu hoạch.
Thiện Đức