Vui mừng chào đón ông Ulazdimir Baravikou tới thăm Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng lịch sử lâu dài của mối quan hệ Việt Nam – Belarus. Riêng trong lĩnh vực TN&MT, theo Thứ trưởng, hai nước cần khai thác hơn nữa dư địa và tiềm năng hợp tác song phương.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Lê Công Thành, Đại sứ Belarus đồng thời bày tỏ niềm yêu mến với thiên nhiên và môi trường của Việt Nam. Ông Ulazdimir Baravikou đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua; khẳng định Belarus trân trọng tình cảm hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và coi Việt Nam là đối tác ưu tiên của Belarus tại khu vực Đông Nam Á. Dấu ấn đặc biệt giữa hai nước là đầu năm 2023, Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko đã thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Roman Golovchenko và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm, trao đổi về các phương hướng thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Tiếp tục chiều hướng hợp tác đó, nhân dịp này, Đại sứ Belarus đề nghị hai bên mở rộng hợp tác trong lĩnh vực môi trường, cụ thể là trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị, nông thôn, chất thải công nghiệp. “Belarus có công nghệ riêng, hiện đại trong xử lý chất thải rắn và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam. Belarus cũng đã liên hệ, trao đổi với địa phương như Hà Nội, Hiệp hội tái chế Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này” – ông Ulazdimir Baravikou cho biết.
Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao sự quan tâm của phía Belarus đối với lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam. Thứ trưởng thông tin, hiện nay, mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%.
Để quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra các quy định về phân loại, thu gom, xử lý rác thải. Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cho công tác xử lý chất thải rắn.
Xét tình hình thực tế, trong điều kiện hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị hóa, áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn; Thứ trưởng thông tin, Việt Nam mong muốn triển khai các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường để thay thế dần biện pháp chôn lấp và công nghệ lạc hậu.
“Việt Nam và Belarus hợp tác chuyển giao công nghệ trong xử lý chất thải rắn là cách tiếp cận phù hợp với mối quan hệ lâu dài giữa hai nước” – Thứ trưởng khẳng định./.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/belarus-mong-muon-hop-tac-voi-viet-nam-de-xu-ly-chat-thai-ran-374793.html