Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Belarus ông Viktor Khrenin trong một cuộc họp vào ngày thứ Sáu đã phát biểu: “Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Cộng hòa Belarus được coi là một biện pháp quan trọng trong ngăn chặn phòng ngừa các kẻ thù tiềm năng khỏi thực hiện hành vi gây chiến vũ trang chống lại Cộng hòa Belarus”.
Ông cũng cho biết, Belarus đã “bị buộc phải” áp dụng biện pháp này.
Theo ông Khrenin, “một chương riêng biệt đã được đề ra” để mô tả về các bước cần được thực hiện “trong trường hợp đối mặt với hành động gây chiến vũ trang”nhằm vào các đồng minh của Belarus trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung (CSTO) và Nhà nước Liên bang.
CSTO là một nhóm sáu nước hậu Liên Xô do Nga lãnh đạo và tương tự NATO, yêu cầu các thành viên hỗ trợ lẫn nhau khi bị tấn công.
Được thành lập vào năm 2002, sáu nước thành viên trong khối này bao gồm Nga, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Belarus.
Hiệp ước Liên bang Belarus và Nga đề ra cơ sở pháp lý cho những hợp tác liên minh giữa hai quốc gia.
Ông Khrenin nhấn mạnh, chủ nghĩa mới này thể hiện Belarus “không coi quốc gia nào là kẻ thù, bất kể cho những hành động của chính phủ các nước đó”.
Chủ nghĩa này vẫn sẽ cần phải được thông qua bởi Hội đồng Nhân dân Toàn Belarus, một cơ quan đại diện hoạt động tại Belarus song song với quốc hội và sẽ được tổ chức vào tháng 4 tới, theo thông tin từ cơ quan truyền thông RIA Novosti của Nga.
Ông Khrenin khẳng định, lợi ích của chính phủ Belarus nằm trong “phục hồi tầm ảnh hưởng của những tổ chức an ninh quốc tế như UN, OSCE và các tổ chức khác, cũng như hiệu quả của các tổ chức này trong ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột vũ trang”.
Belarus “mở cửa hợp tác quân sự với bất kỳ quốc gia nào, bao gồm các quốc gia thành viên NATO, với điều kiện những quốc gia này ngừng những quan điểm hiếu chiến nhằm vào Belarus”.
Minsk đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Trong tháng 6 năm 2023, các báo cáo cho biết nhiều đầu đạn hạt nhân của Nga đã được đưa tới Belarus nhằm mục đích “phòng ngừa”, theo lời Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hai tháng sau đó, mặc dù nhấn mạnh Belarus sẽ không tham gia vào cuộc chiến, Tổng thống Alexander Lukashenko đã cảnh báo quốc gia này sẽ “phản ứng với mọi khả năng có được” bao gồm cả vũ khí hạt nhân khi bị khiêu khích – đặc biệt là từ những nước láng giềng thuộc NATO như Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Các nước vùng Baltic củng cố biên giới
Quyết định của Belarus được đưa ra khi các nước vùng Baltic láng giềng đã ký một thỏa thuận củng cố đường biên giới với Belarus và Nga.
Một số chuyên gia cho rằng những quốc gia này có thể phải đối mặt với rủi ro bị xâm lược bởi Nga, đồng minh của Belarus, nếu như những quốc gia này bị cắt đứt khỏi các đồng minh NATO theo sau cuộc chiến tại Ukraine.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Estonia cho biết, quốc gia này đã ký kết một thỏa thuận với Latvia và Lithuania nhằm “xây dựng hàng phòng thủ chống di chuyển” trên biên giới với Nga và Belarus nhằm “phòng ngừa và phòng thủ trước các nguy cơ quân sự khi cần thiết” trong những năm tới.
Bộ mô tả đây là “một dự án được cân nhắc và lên kế hoạch kỹ lưỡng với nhu cầu bắt nguồn từ tình hình an ninh hiện tại”.
Những bộ phận trong hàng phòng thủ bao gồm “các biện pháp ngăn chặn và an ninh trên chiến trường”, như “một mạng lưới các hầm trú ẩn, điểm hỗ trợ và tuyến hậu cần”.
“Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy, bên cạnh thiết bị, đạn dược và nhân lực, những hàng phòng thủ vật lý trên biên giới cũng cần được đề ra để phòng thủ Estonia từ những mét đất đầu tiên”.
Bộ trưởng Bộ quốc phòng các quốc gia này “cũng đã ký kết một Thư Ý định trang bị các bệ phóng tên lửa HIMARS, nhằm đề ra một bộ khung sử dụng chung hệ thống tên lửa này trong thời bình cũng như thời chiến”.
Trong một bài phỏng vấn với cơ quan truyền thông Belta trong tháng 8 năm 2023, lãnh đạo Belarus ông Alexander Lukashenko khẳng định, quốc gia ông không hề “triển khai vũ khí hạt nhân nhằm đe dọa nước khác”.
“Những vũ khí hạt nhân là yếu tố răn đe mạnh mẽ. Nhưng đây là những vũ khí hạt nhân mang tính chiến thuật, không phải chiến lược. Đây là lý do chúng tôi sẽ sử dụng chúng ngay khi hành vi gây hấn được thực hiện nhằm vào quốc gia chúng tôi”.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)