Trước đó, bé trai H.V.D., 13 tuổi (ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn; bàn tay phải cháy đen, chảy máu, giập mất các đốt ngón tay do tự chế pháo.
Theo lời kể của D., em đã xem các video clip trên mạng dạy cách chế tạo pháo từ que diêm và làm theo nhiều lần.
Khi làm đến lần thứ 5, trong khi chưa châm lửa thì xảy ra sự cố nổ. Lúc này, người nhà nghe tiếng nổ lớn chạy vào thì thấy D. ôm bàn tay cháy đen trên vũng máu nên đã đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Ê kíp cấp cứu khoa chấn thương – chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương bước đầu tiến hành rửa, cắt lọc làm sạch vết thương, lấy dị vật, xử lý vết thương phần mềm…
Lần thứ 2 các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật cố gắng giữ phần còn lại của bàn tay, tạo hình vạt da che phủ gân xương và kẽ ngón tay, xuyên đinh cố định xương.
Hiện tại sau phẫu thuật tạo hình vết thương bàn tay đã ổn, các ngón tay 4, 5 đã hồi phục, bệnh nhi xuất viện và hẹn tái khám để tiếp tục phục hồi chức năng bàn tay, ngón tay.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, trưởng khoa chấn thương – chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho hay các tổn thương do pháo nổ thường rất phức tạp nên việc điều trị phục hồi rất khó khăn; các trường hợp đều phải phẫu thuật nhiều lần sau đó còn phải tập phục hồi chức năng và để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.
Trường hợp bé D. rất may là bàn tay vẫn có thể cầm nắm được, các chức năng ngón còn phục hồi, nhưng di chứng vết thương tinh thần để lại sẽ còn theo bé về sau.
“Rất mong gia đình, nhà trường cần có sự giáo dục, hướng dẫn và cảnh báo các em về những nguy cơ khi học theo các video clip trên mạng, đặc biệt là việc làm pháo tự chế, súng tự chế hay các loại vũ khí còn là hành vi vi phạm pháp luật” – bác sĩ Tiến nói.