Cử tri Bulgaria hôm 2/4 sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử thứ 5 của đất nước kể từ tháng 4/2021 với hy vọng tìm được lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 2 năm ở quốc gia vùng Balkan.
Các cuộc bầu cử được tổ chức liên tiếp do các đảng chính trị thất bại trong việc thành lập một chính phủ ổn định, trong khi đây lại là nhu cầu ngày càng cấp thiết trong bối cảnh Bulgaria phải đối mặt với những vấn đề lớn sẽ quyết định tương lai của nước này ở Liên minh châu Âu (EU) và người dân đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí trầm trọng do lạm phát tăng vọt.
Kết quả của cuộc bầu cử gần nhất, ngày 2/10/2022, không cho đảng nào chiếm đa số cầm quyền. Khi 3 nỗ lực trong việc thành lập chính phủ liên minh của các đảng chính trị khác nhau, trong số 7 đảng tham gia vào Quốc hội Bulgaria, đều thất bại, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lên lịch tổ chức một cuộc bầu cử sớm khác vào ngày 2/4/2023.
Tỉ lệ cử tri đi bầu, từ lâu đã có xu hướng giảm ở nhiều nước phương Tây, lại đặc biệt thấp ở Bulgaria, quốc gia nghèo nhất EU.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại của Bulgaria có thể bắt nguồn từ cuộc bầu cử ngày 4/4/2021, dẫn đến sự suy tàn của các đảng và khối truyền thống, bao gồm Đảng GERB bảo thủ của ông Boyko Borisov và Đảng Xã hội (BSP).
Điều này cũng kích hoạt sự trỗi dậy của các đảng mới, chẳng hạn như Đảng ITN, Đảng Bulgaria Dân chủ (DB) và Đảng IBG-NI, với những lời hứa hẹn chống tham nhũng tràn lan, v.v…
Tuy nhiên, quốc hội do cuộc bầu cử năm đó tạo ra, với tỉ lệ cử tri đi bầu là 49,1%, cũng không chứng kiến chính phủ nào được thành lập. Do đó, Tổng thống Radev đã bổ nhiệm cựu tướng quân đội Stefan Yanev làm Thủ tướng tạm quyền và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào ngày 11/7/2021.
Trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 7/2021, tỉ lệ cử tri đi bầu tiếp tục giảm xuống chỉ còn hơn 40%, các đảng mới tiếp tục trỗi dậy nhưng không thể đảm bảo số ghế cần thiết để thành lập chính phủ. Điều này dẫn đến một cuộc bầu cử khác vào ngày 14/11/2021.
Thậm chí cuộc bầu cử này còn chứng kiến tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn (dưới 40%). Tuy nhiên, sau lần tổng tuyển cử này, một liên minh cầm quyền đã xuất hiện sau các cuộc đàm phán giữa các đảng DB, ITN, BSP và đảng trung dung mới thành lập We Continue the Change (PP).
Tuy nhiên, các đảng này có rất ít điểm chung và có những bất đồng nghiêm trọng trong chính phủ, đặc biệt là về chính sách đối ngoại, và lần đầu tiên trong lịch sử đất nước chính phủ liên minh này bị mất phiếu tín nhiệm.
Chính phủ liên minh này cuối cùng đã kết thúc vào tháng 6/2022, kéo theo sau đó là nhiều nỗ lực không thành công hơn để thành lập một liên minh mới, dẫn đến cuộc bầu cử sớm lần thứ 4 vào ngày 2/10/2022, những cũng không mang lại đa số rõ ràng cho khối nào.
Tổng thống Bulgaria Radev hiện một lần nữa kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/4 tới. Trong khi đó, ông bổ nhiệm chính trị gia cấp cao Galab Doven làm Thủ tướng tạm quyền.
Các cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy các khối liên minh GERB-SBS do ông Borisov đứng đầu và khối PP-DB do ông Kiril Petkov và ông Asen Vasilev đứng đầu sẽ cạnh tranh để giành được nhiều ghế nhất có thể trong Quốc hội khóa 49 gồm 240 ghế của Bulgaria.
“Bất ổn chính trị có thể tiếp tục trong 1-2 năm nữa”, ông Dobromir Zhivkov, người đứng đầu Market Links, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Sofia của Bulgaria, cảnh báo rằng điều này có thể làm giảm thêm uy tín của Bulgaria.
Sofia đã phải từ bỏ mục tiêu gia nhập Khu vực đồng euro (Eurozone) vào năm 2024 và cũng vẫn đang chờ nhận toàn bộ số tiền từ kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 của EU.
Việc gia nhập khu vực Schengen của Bulgaria một lần nữa bị hoãn lại sau sự phản đối từ Hà Lan và Áo, những quốc gia lo ngại về dòng người di cư.
Trên hết, 5 cuộc bầu cử đã tiêu tốn của quốc gia vùng Balkan rất nhiều tiền, với ước tính trị giá hơn 400 triệu Leva (204 triệu Euro) – gần bằng ngân sách hàng năm của Bộ Văn hóa Bulgaria.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, Yahoo!News)