Tới dự Lễ Bế mạc có đồng chí Vừ A Bằng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; đồng chí Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đồng chí Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tá Tống Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Phạm Đức Duyên – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu II; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao của các tỉnh/thành phố, thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện Đại học, cơ sở đào tạo ngành thư viện.
Nhận xét về phần dự thi của các đoàn tại Liên hoan, đồng chí Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương – Trưởng ban Giám khảo cho biết: Nhìn chung, chất lượng các chương trình khá đồng đều, các thư viện đã có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng, các đoàn dự thi kết hợp được các yếu tố sân khấu, công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, tạo sức cuốn hút. Chủ đề của Liên hoan được khai thác dưới nhiều hình thức mới, tạo hiệu quả và đem đến ấn tượng trong lòng khán giả. Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận số lượng đoàn dự thi cao nhất trong các kỳ Liên hoan. Với nỗ lực đổi mới, sáng tạo ở cả nội dung và hình thức thể hiện của các đội trong việc tuyên truyền giới thiệu sách, 42 đội tham gia đã mang đến 42 màu sắc văn hóa khác nhau, không chỉ tuyên truyền một cách tập trung, sâu sắc về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, mà còn mang được tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ vào hơi thở của cuộc sống hôm nay, khi tuyên truyền về chiến thắng hào hùng 70 năm về trước, mốc son chói lọi ấy đã được tô thắm thêm, được viết thêm kỳ tích trong thời bình, với những đổi thay kỳ diệu trên đất nước ngày càng đổi mới và phát triển, có thể khẳng định, vị thế ngày nay của dân tộc chiến thắng đã cao hơn chiến thắng.
Phát biểu tổng kết Liên hoan, đồng chí Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL – Trưởng ban Tổ chức Liên hoan cho biết: Các đoàn dự thi giới thiệu tại Liên hoan 49 tác phẩm là những bằng chứng, tư liệu lịch sử, những ký sự, tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với nội dung phong phú, hình thức thể hiện đa dạng, đã đem đến cho người xem thêm nhiều hiểu biết, góc nhìn đa chiều, dễ tiếp cận về chiến thắng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, các đội thi cũng giới thiệu đến đông đảo người xem về mô hình phục vụ sách, báo, tư liệu mới, hiệu quả đối với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và phục vụ học tập suốt đời. Từ mọi vùng miền khác nhau của Tổ quốc, dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhưng những người làm thư viện đã vận dụng sáng tạo, đa dạng nội dung và hình thức phục vụ để phù hợp với điều kiện thực tiễn về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất của đơn vị. Nhiều mô hình đã được triển khai đến các điểm vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những vùng kinh tế-xã hội khó khăn, các khu công nghiệp, các trại giam, trại tạm giam trong cả nước. Những mô hình phục vụ được giới thiệu tại Liên hoan không chỉ dừng lại ở ý tưởng thuyết trình mà nhiều hoạt động đã được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn quá trình phục vụ bạn đọc. Những kết quả đạt được đã được thể hiện sinh động qua những hình ảnh, những con số thực tế ấn tượng.
Trưởng ban Tổ chức Liên hoan đã biểu dương và đánh giá cao tinh thần tham gia và cống hiến hết mình của 42 đoàn tham dự Liên hoan. Các đoàn đều có sự đầu tư chỉn chu từ phần đăng ký tham dự, xây dựng kịch bản, tổ chức luyện tập cho đến phần dự thi trên sân khấu. Qua 04 ngày tranh tài, Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc đã thành công về mọi mặt cả về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ giới thiệu sách cũng như khả năng biểu diễn nghệ thuật trong từng tiết mục. Các cán bộ ngành thư viện đã tự tin thể hiện khả năng, bản lĩnh, kỹ năng thuyết trình trước đám đông để chia sẻ về đam mê trong công việc, ngành nghề của mình và giới thiệu những cuốn sách hay, có giá trị đến với cộng đồng, xây dựng nên hình ảnh của những người làm công tác thư viện trong thời kỳ mới, hiện đại, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết. Ban Tổ chức mong rằng với những chương trình dự thi được dàn dựng công phu và nhiều tâm huyết, các đoàn tham dự sau khi trở về địa phương, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, không gian mạng… để tiếp tục giới thiệu, lan tỏa những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp của các tác phẩm đến với cộng đồng, góp phần vào công tác phát triển văn hóa đọc cũng như khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trong mọi tầng lớp nhân dân.
Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao: 6 Giải xuất sắc cho các đoàn Thư viện tỉnh Điện Biên, Thư viện Quân khu II, Thư viện KHTH Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Hà Nội, Thư viện Đồng Tháp, Thư viện tỉnh Nghệ An; 12 Giải Nhất; 12 Giải Nhì; 12 Giải Ba; 4 Giải chuyên đề cho các đội dự thi, trong đó Giải giới thiệu đội hình ấn tượng nhất thuộc về Thư viện tỉnh Quảng Ninh; Giải tuyên truyền giới thiệu sách đạt yêu cầu chuyên môn nhất thuộc về Thư viện KHTH thành phố Hải Phòng; Giải mô hình sáng tạo, phục vụ hiệu quả nhất thuộc về Thư viện tỉnh Quảng Nam; Giải thể hiện năng khiếu hay nhất thuộc về Thư viện tỉnh Lạng Sơn.
Nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, sau Liên hoan Ban Tổ chức sẽ đăng tải video ghi hình phần dự thi của 42 đoàn dự thi lên Kênh Youtube “Sách và Trí tuệ Việt” để đông đảo khán giả tham gia bình chọn. Căn cứ trên kết quả bình chọn công khai từ cộng đồng, Ban Tổ chức sẽ công bố Giải thưởng “Chương trình khán giả bình chọn nhiều nhất” trên không gian mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.
Để ghi nhận sự nỗ lực trong công tác tham mưu, chuẩn bị và tổ chức Liên hoan, Bộ VHTTDL đã trao bằng khen cho Thư viện tỉnh Điện Biên; UBND tỉnh Điện Biên đã trao tặng Bằng khen cho tập thể và công chức Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL.
Một số hình ảnh tại Lễ Bế mạc Liên hoan: