SGGPO
Chiều 24-6, Quốc hội đã họp phiên bế mạc. Tham dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai…
Sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực; nhiều vấn đề mới phát sinh, nhưng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo, chủ động, linh hoạt, có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm với tinh thần chủ động, vào cuộc “từ sớm, từ xa”, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập pháp.
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, MTTQ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ đã có trong kế hoạch và nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm các nhiệm vụ lập pháp cần thiết để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế,
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các chủ trương nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, nâng cao năng lực phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có phản ứng chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, có tính khả thi cao để giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chọi của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức. Tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; giải quyết dứt điểm bất cập, vướng mắc trong công tác kiểm định xe cơ giới.
Quốc hội yêu cầu có giải pháp khắc phục kịp thời và căn cơ tình trạng thiếu điện, đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đời sống; tháo gỡ triệt để, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, tăng cường củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ tổ chức hội nghị để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này trong quý 3-2023, đồng thời rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán cấp cao, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.