Chiều 25/3, tại Hà Nội, Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 đã bế mạc.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá năm 2023, nước ta đã đạt được thành quả khá toàn diện, trong đó có những kết quả nổi bật được bạn bè quốc tế ghi nhận. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp của Quốc hội và cơ quan dân cử địa phương. Làn gió tươi mới trong hoạt động của cơ quan dân cử địa phương tiếp tục được mở rộng phạm vi, tác động lan tỏa hơn, đồng đều hơn, đạt được kết quả tốt hơn.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ khối lượng công tác của Hội đồng Nhân dân trong năm qua rất lớn gồm tổ chức các kỳ họp thường kỳ, chuyên đề, đột xuất; ban hành các nghị quyết; công tác giám sát; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng Nhân dân bầu và phê chuẩn… Hoạt động của Hội đồng Nhân dân ngày càng có hiệu quả, sát thực, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển chung của địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có một thực tế ở những nơi mà Hội đồng Nhân dân hoạt động tích cực và có hiệu quả thì ở đó đều hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội rất tốt. Đương nhiên là có những tỉnh, thành phố, Hội đồng Nhân dân hoạt động cũng tốt nhưng kết quả kinh tế, xã hội, kết quả phát triển của địa phương chưa được như mong muốn còn liên quan đến nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Có thể thấy Hội đồng Nhân dân hoạt động tốt thì ở đó không thể không phát triển, có đóng góp rất lớn vào thành tựu chung của địa phương dưới sự lãnh đạo của Trung ương và lãnh đạo của cấp ủy, sự chung tay của cả hệ thống chính trị ở địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những kết quả nổi bật là Hội đồng Nhân dân bám sát quy định của pháp luật, triển khai một cách toàn diện các chức năng nhiệm vụ theo quy định từ công tác lập pháp, lập quy đến chất vấn và trả lời chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, lấy phiếu tín nhiệm, các công tác khác như chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đối ngoại…
Đối với công tác lập pháp, lập quy, các địa phương rất tích cực trong triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là các nghị quyết liên quan đến cơ chế đặc thù. Công tác giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện nghiêm túc. Kỳ họp của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có nhiều khởi sắc, đổi mới hoạt động của Thường trực Hội đồng Nhân dân, nhất là giữa 2 kỳ họp. Hoạt động của các ban của Hội đồng Nhân dân cũng được tăng cường nhiều hơn, cùng với đó là vai trò của tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân được coi trọng.
Việc tiến hành lập pháp, lập quy, tăng cường hoạt động giám sát, giải quyết kiến nghị cử tri của các địa phương có nhiều mô hình mới, cách làm hay với mục tiêu kiến tạo phát triển, thể hiện tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác thông tin, truyền thông được chú trọng, dành nhiều thời lượng cho công tác truyền thông về hoạt động của cơ quan dân cử.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được, theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề lớn nhất là bám sát tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Thường vụ cấp ủy, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Bên cạnh đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó còn có nguyên nhân từ sự tìm tòi, đổi mới của lãnh đạo chủ chốt của địa phương, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các ban của Hội đồng Nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân và chính đại biểu Hội đồng Nhân dân. Công tác phối hợp chặt chẽ, sát sao giữa chính quyền và Hội đồng Nhân dân, phối hợp giữa Hội đồng Nhân dân với Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ban Đảng Trung ương.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân tiếp tục bám sát và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, Thường vụ cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân nhiều hơn nữa. Đây là nhân tố quyết định đến hoạt động của Hội đồng Nhân dân theo đúng chức năng, nhiệm vụ, định hướng, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý.
Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng của cơ quan dân cử địa phương theo quy định của pháp luật để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, tiếp tục tập trung rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa, sát sao hơn nữa trong việc xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là luật, nghị quyết liên quan đến địa phương.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Nhân dân các địa phương căn cứ vào luật, nghị quyết đã được ban hành, có kế hoạch triển khai sâu sát các văn bản luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Tài nguyên nước, Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…
Chủ tịch Quốc hội cho biết năm 2024, Quốc hội yêu cầu tổng rà soát các thủ tục hành chính. Hội đồng Nhân dân giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng rà soát các thủ tục hành chính. Trong các văn bản mà do cấp tỉnh ban hành, “cái gì không hợp lý thì bãi bỏ” đồng thời cần tăng cường phân cấp.
Nhấn mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công hiện còn chậm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân các địa phương rà soát những vướng mắc, tập trung tháo gỡ, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công của nhiệm kỳ sau; quan tâm công tác thành lập địa giới hành chính mới và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động của Hội đồng Nhân dân, trong đó có kỳ họp của Hội đồng Nhân dân với vai trò là phương thức hoạt động cơ bản nhất của Hội đồng Nhân dân, ngoài Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm đến cấp huyện, chú trọng cấp xã; lưu ý một số vấn đề cần quan tâm về chất lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân – yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử địa phương; tăng cường công tác dân nguyện ở địa phương, tích cực tham gia các hoạt động hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2026)…
Đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban Công tác đại biểu làm đầu mối tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết./.