TP HCMBé gái 12 tuổi sốt nhẹ, nhức đầu ba ngày, đến ngày thứ 4 đau ngực, ói, tay chân lạnh, vào viện bác sĩ chẩn đoán nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim.
Ngày 3/9, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bé vào viện lơ mơ, huyết áp kẹp tụt, nhịp tim không đều, mạch khó bắt, chỉ số men tim tăng cao. Siêu âm tim ghi nhận phân suất tống máu giảm còn 22-26% (bình thường 60-80%).
Bác sĩ chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Bé được đặt nội khí quản giúp thở, dùng các thuốc vận mạch, chống loạn nhịp, đồng thời can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo – oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Bé được dùng nhiều loại thuốc, diễn tiến vẫn phức tạp, nhịp tim giảm còn 30-40 lần/phút, bác sĩ đặt máy tạo nhịp. Sau 9 ngày chạy ECMO, các bác sĩ nỗ lực xử trí các chuyển biến bất thường của nhịp tim, cơ tim và huyết động cũng như điều trị lọc máu liên tục hỗ trợ các cơ quan gan thận, giúp tim bé hồi phục dần. Bé được cai ECMO, tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực.
“Thời tiết thất thường, có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim”, bác sĩ phân tích. Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, làm tổn thương tế bào cơ tim, giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích. Bệnh khó phát hiện khi các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt.
Bệnh viêm cơ tim thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi. Trẻ dưới 24 tháng mắc bệnh thường nặng do đề kháng còn yếu. Một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ sẽ tự khỏi. Vài bé không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh, nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu sống thì về sau dễ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo trẻ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực… nên nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp.
Phòng bệnh bằng cách hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đã mắc những bệnh liên quan đến các siêu vi. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ vitamin và khoáng chất. Chủng ngừa các bệnh bạch hầu, cúm, rubella, quai bị… cho trẻ để tăng khả năng kháng bệnh. Trẻ ở tuổi đi học, tập thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Lê Phương