“Cô xem xét cho con làm phụ giúp cô bán hàng được đông khách”
Bé gái là Nguyễn Vũ Bảo Trân, học sinh một trường song ngữ quốc tế tại TP.HCM (tên ở nhà là Dâu Tây).
Trong lá thư xin việc, bé viết: “Cô Thu yêu quý. Con là bé Dâu Tây, con viết thư gửi cô để kính xin phép cô cho con được làm việc ở cửa hàng cô Mỹ bún rạm của cô vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần. Con có thể làm các công việc như sau: lau bàn, bưng thức ăn/uống, mở cửa cho khách. Cô xem xét cho con làm phụ giúp cô bán hàng được đông khách. Con cảm ơn cô. Ký tên: Bé Dâu”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Vũ My, mẹ của bé Trân, cho biết hai mẹ con đều ghiền món bún rạm nên hay ghé tiệm ăn. Từ đó, hai mẹ con làm quen với cô chủ quán tên Thu và bé Trân ngày càng yêu quý cô hơn. Hai cô cháu ngày càng thân thiết, cô Thu chia sẻ, trò chuyện, dạy bé Trân rất nhiều điều.
Dịp bé Trân nghỉ hè, tiệm bún treo biển tuyển dụng nhân viên, chị My chỉ cho con gái thấy và khuyến khích con viết thư xin việc.
“Thực ra trước đó, tôi và chị chủ quán có cùng suy nghĩ là khi nào chị chủ quán có mặt ở quán và Trân được nghỉ, Trân sẽ ghé quán phụ giúp cô và học hỏi từ cô. Còn bé Trân sau khi gửi thư xin việc tới cô và được đồng ý, bé rất hào hứng vì tâm lý trẻ con thích được trải nghiệm những gì con chưa được làm qua. Tôi cũng rất vui vì tôi luôn mong muốn có thể dạy con biết siêng năng lao động, biết trân quý giá trị sức lao động của bản thân”, chị My kể.
Mỗi tuần một ngày, thường là buổi trưa chủ nhật, bé Trân được ba mẹ chở đến tiệm và phụ giúp cô chủ tiệm một số công việc nhỏ.
Bé được tập việc mở cửa cho khách, lau bàn sạch sẽ, mang đồ ăn, đồ uống tay không chạm vào thức ăn để giữ vệ sinh và uy tín cho quán. Bé biết chào hỏi khách hàng, tập ghi các món ăn mà khách gọi, cảm ơn các thực khách đã đến…
Bé gái 9 tuổi cũng được cô chủ tiệm dạy cách tính tiền, nhớ số của vị trí bàn trong quán hoặc ngồi canh tiệm, khi nào có khách sẽ gọi các anh chị trong quán ra tiếp khách…
Cô chủ tiệm nói gì?
Kể với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Thu, chủ tiệm bún rạm mực nháy trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, cho hay rất ấn tượng với lá thư xin việc tràn ngập những điều dễ thương của bé gái 9 tuổi. Bé gái viết thư tay, còn dán thêm những sticker hình hoa lá và chú thích là “mùa xuân đã đến”.
Đặc biệt, sau khi được cô chú chủ tiệm khuyến khích là “con viết thêm một bản tiếng Anh nữa nha”, bé gái đã viết một CV bằng tiếng Anh với đầy đủ thông tin cá nhân và tự vẽ hình ảnh của mình trên mặt giấy.
Chị Thu cho hay bé gái rất vui vẻ với các công việc được giao, luôn trong tâm thế làm việc một cách lâu dài, nghiêm túc. Lúc rảnh rỗi, bé Trân thường mang giấy, bút ra vẽ cùng chị vì vẽ là sở thích lớn nhất của bé.
“Có một kỷ niệm vui, hôm đó bé đang giúp tôi canh tiệm thì có khách đến, chính là ba mẹ của bé ghé ăn. Bé mở cửa và vẫn rất điềm tĩnh nói “Xin chào quý khách, quý khách muốn ăn món gì ạ?”. Lúc sau bé giải thích “con đang trong giờ làm thì xưng hô phải chuyên nghiệp”. Thường thì khi ba mẹ bé đón, tôi đưa cho bé 20.000 đồng trong một bao thư, nhưng bé luôn luôn mở ra và nói với mẹ của mình “mẹ ơi, sao nhiều quá, con phải hỏi cô Thu xem cô có đưa nhầm không vì ban đầu cô nói mỗi buổi con nhận được 10.000 đồng thôi mà”. Một em bé rất trung thực và đáng yêu”, chị Thu kể.
Dạy con về tinh thần yêu lao động
Chị My cho hay sau những buổi đi phụ giúp ở tiệm về, cô con gái 9 tuổi của chị đã có ý thức hơn về sức lao động và giá trị đồng tiền. Ví dụ khi chị muốn mua một món đồ cho con thì bé gái nói “con thích lắm, con cảm ơn mẹ nhưng mẹ ơi con không cần mẹ mua cho con đâu vì con không muốn mẹ tốn tiền”. Bé hay tâm sự với mẹ “mẹ ơi giờ con mới hiểu kiếm đồng tiền vất vả như thế nào”, điều này khiến chị My rất xúc động.
Theo chị My, sự tự lập rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người, và muốn tự lập tốt, mỗi người cần có đủ các điều kiện về sức khỏe, trí tuệ, tài chính, đạo đức làm người. Do đó, tinh thần lao động là một trong những yếu tố quan trọng để dạy trẻ có được những điều trên. Từ đó, con sẽ tự tin, mạnh mẽ khi cuộc sống luôn ẩn hiện nhiều biến cố.
Chị My cho hay cách dạy con của mình có sự ảnh hưởng bởi sự giáo dục và tình yêu thương con cháu vô bờ bến của cha mình – ông ngoại của bé Trân.
“Tôi hay thường băn khoăn rằng nên dạy con theo cách tinh khôn hay dạy con hai chữ đạo đức, nhưng từ tình yêu thương vô bờ bến của cha, những điều vấp ngã tôi đã trải qua, tôi đã quyết định dạy con sống đạo đức. Vì chỉ có sống đạo đức thì con mình mới tự tạo được phúc đức cho bản thân, con vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống”, mẹ của bé gái 9 tuổi viết thư xin việc trong mùa hè bộc bạch.