Trước các giải pháp mang tính đột phá, làm tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng được Thủ tướng đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Các chủ trương, chính sách phát triển đã khá đầy đủ, bây giờ là lúc phải hành động.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12; tình hình KTXH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025; và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói lên quyết tâm hành động để phát triển kinh tế – xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%
Trình bày những nội dung cốt yếu nhất về tình hình KTXH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến những giải pháp mang tính đột phá, làm tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc ta như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu.
Theo Thủ tướng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Quốc hội
Theo Thủ tướng, trong năm tới, chúng ta vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 – 2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng.
Thủ tướng nhấn mạnh, bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Tinh thần là “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Về mục tiêu tổng quát, Thủ tướng cho biết, xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định. Từ đó phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Chỉ rõ một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và phấn đấu tăng trưởng mức 2 con số trong giai đoạn 2026 – 2030.
Trong đó, hoàn thành ít nhất 3.000km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, các công trình lớn, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước…
Trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025, trước hết, tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”.
Cùng với đó là thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Muốn thực hiện mục tiêu này đòi hỏi phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh, cao và bền vững.
Cùng với việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung rà soát, phân loại và xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ các công trình, dự án đang lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư, cơ hội, việc làm, tài sản…
Cùng với đó có giải pháp khắc phục rõ ràng, khả thi, hiệu quả để giải quyết dứt điểm, tránh lãng phí, bổ sung nguồn lực cho phát triển KTXH.
Phải có “liều thuốc đủ mạnh”
Phát biểu chỉ đạo hội nghị sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 3 vấn đề, trong đó nêu nhiều nội dung đáng chú ý về kinh tế – xã hội.
Theo Tổng Bí thư, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, phải đổi mới tư duy, phải “cởi trói”, phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.
Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Quốc hội
“Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể “cất cánh”, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trước mắt, theo Tổng Bí thư, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 và năm 2025, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này. Đây là vấn đề hoàn toàn có cơ sở để làm được.
Vì vậy, Tổng Bí thư cho rằng, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Tổng Bí thư lưu ý, phía trước còn rất nhiều việc phải làm để khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn này”. Cần nhận thức rõ, đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật.
“Phải có “liều thuốc đủ mạnh” để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, “hành dân”, “hành doanh nghiệp”, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…”, Tổng Bí thư nhắc nhở.
Theo Tổng Bí thư, các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH đã khá đầy đủ. Bây giờ là lúc phải hành động. Các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển.
“Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển”, Tổng Bí thư yêu cầu.
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng kêu gọi sự hưởng ứng, vào cuộc của người dân: “Phải giải phóng sức lao động, sức sản xuất, phải huy động được nguồn vốn vật chất và tinh thần trong nhân dân và người dân phải cảm nhận được nhân dân là người hưởng thụ những thành quả đó thì mọi người sẽ chung sức đồng lòng cùng thực hiện”.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/bay-gio-la-luc-phai-hanh-dong-de-dat-nuoc-giau-manh-thinh-vuong-2347501.html