Người giữ hồn sử thi Tây Nguyên
Sử thi từ lâu được biết đến là “món ăn” tinh thần không thể thiếu đối với người Ba Na và Jrai. Sử thi gắn bó với đời sống cộng đồng, phản ánh sâu sắc mọi khía cạnh của xã hội, từ con người, thiên nhiên, đến những đấng tối cao chi phối mọi mặt hoạt động của cuộc sống.
Mỗi bài hát được ngân lên, đều có ý nghĩa trong cuộc sống “như sông có nước, như cây có rừng”. Tùy vào hoàn cảnh, sử thi đã lên lỏi vào từng nhà, lên từng cái rẫy. Thế rồi, tiếng nhạc cứ thế, đi sâu vào trong cái bụng, luồn sâu vào tận cái tim để sử thi giờ là máu thịt, là một phần trong cuộc sống của người dân Tây Nguyên.
Trong dòng chảy của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, những nghệ nhân vẫn luôn âm thầm, miệt mài “truyền lửa” khắp mọi nơi với mong muốn sử thi sẽ có một chỗ đứng nhất định, là điểm tựa tinh thần cho bản làng, cộng đồng.
Một trong những nghệ nhân ngày đêm miệt mài giữ hồn sử thi Tây Nguyên có thể kể đến cụ Dach (người dân tộc Ba Na ở xã Ia Băng). Chẳng ai có thể nghĩ rằng năm nay cụ Dach đã bước sang tuổi 108, bởi hàng ngày cụ vẫn đi chặt lồ ô, mây tre về đan gùi. Hơn thế, ở độ tuổi này đáng ra phải dựa hơi con cháu nhưng cụ vẫn miệt mài làm việc (đàn gùi).
Điều đặc biệt hơn cả là chất giọng khỏe khoắn của cụ. Giọng cụ Dach lúc trầm lắng, thẳm sâu như lời tâm tình của đôi trai gái, lúc vang vọng, trầm hùng như lời gọi bạn từ trên núi cao. Từng khúc hát, từng điệu ngân vang của cụ vẫn rất rõ ràng, liền mạch, trầm ấm ngân vang giữa bao la núi rừng dù đã bước sang tuổi 108.
Theo lời kể, cụ Dach biết đến sử thi từ khi còn bé, được người chú họ truyền lại, đến nay nó đã ăn sâu vào máu, vào thịt cả trăm năm nay. Chính tiếng hát lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm của người chú như một khúc ca ngọt ngào đưa cậu Dach vào sâu trong mỗi giấc ngủ, như dòng sữa mẹ nuôi lớn cậu bé từng ngày.
Khi trưởng thành, cụ đã có thể kể và hát vanh vách hàng chục bài sử thi của người dân tộc Ba Na và Jrai. Ở mỗi bài hát, trong mỗi câu chuyện cụ còn hiểu tường tận các giá trị quý báu, ý nghĩa chứa đựng.
Bài hát cụ hay hát nhất là “Dăm Blom” – sử thi huyền thoại của người Jrai. Bài hát mang thông điệp “ở hiền gặp lành, mình sống lương thiện thì sẽ gặp điều tốt”. Đây cũng là bài mà cụ thường xuyên cất lên để răn dạy con cháu trong nhà cũng như trong làng biết nhìn nhận cái tốt, tránh xa những cái xấu. Cứ thế, tiếng nhạc đi sâu vào trong cái bụng, luồn sâu vào tận cái tim để sử thi giờ là máu thịt, là một phần trong cuộc sống của cụ.
“Sử thi rất khó học bởi người hát, kể phải có trí nhớ, chất giọng tốt và làn hơi bền vì có những câu hát dài, tiết tấu lúc nhanh lúc chậm, lúc lên cao, xuống thấp. Ngoài ra, muốn truyền đạt được ý nghĩa, người hát còn phải thể hiện được biểu cảm trên khuôn mặt…”, cụ Dach cho biết.
Nỗi niềm người kể sử thi
Nhận thấy được việc phát huy và lưu truyền các giá trị văn hóa của sử thi Jrai và Ba Na rất quan trọng nên từ lúc trai trẻ đến nay đã 108 tuổi, cụ Dach vẫn không ngại khó, ngại khổ ngày ngày hát, kể sử thi nhằm truyền đạt lại những “di sản” văn hóa độc đáo này cho thế hệ trẻ.
Thế nhưng điều khiến cụ canh cánh nhất là giới trẻ đang không mặn mà với sử thi, thậm chí là không muốn học và không ai thích học sử thi mà thay vào đó là các dòng nhạc hiện đại. Buồn hơn cả là ngay đến các con, cháu của cụ Dach cũng không ai chịu học hát, học kể sử thi.
“Cụ có tới 6 người con và hơn 20 đứa cháu nhưng cũng không ai muốn học sử thi. Khi cụ dạy con, cháu hát sử thi thì chúng nó kêu sử thi khó thuộc, khó hát. Chúng chỉ thích nghe nhạc hiện đại thôi. Trước đó cũng có một người bằng tuổi cụ, cũng biết hát sử thi nhưng đã mất. Dù rất muốn truyền đạt những bài hát sử thi cho con, cháu trong làng nhưng không ai học. Không biết sau này ai sẽ là người truyền đạt, hát và kể cho thế hệ sau những câu chuyện sử thi mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc mình”, cụ Dach trải lòng.
Ông Ra Lan Bông (con trai cụ Dach) cho hay: “Ngày nhỏ tôi thường được cha kể, hát sử thi cho nghe. Những bài sử thi cha kể phần nhiều mang tính giáo dục con cháu chăm lo học hành, chăm chỉ làm ăn. Hát sử thi như cha thì tôi không làm được, vì nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố nhưng với những câu chuyện sử thi thần thoại thì tôi vẫn nhớ và có thể kể được một vài bài”.
Ông Siu Lol (trưởng thôn Thông Prông Thông, xã Ia Băng) cho biết: “Dù sắp bước sang tuổi 108, nhưng cụ Dach vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường. Ngoài việc được Đảng, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ về các chính sách theo quy định, thì cụ còn tự đan gùi để kiếm thêm thu nhập. Trong thôn, từ già đến trẻ, ai cũng yêu quý cụ, một tấm gương sáng cống hiến hết mình để sử thi mãi luôn trường tồn”.