(Dân trí) - Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được dự đoán sẽ tác động đáng kể đến cuộc xung đột ở Ukraine khi Washington là nhà viện trợ hàng đầu của Kiev.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sắp đến hồi kết, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc đua vào Nhà Trắng để tìm hiểu xem một nhà lãnh đạo mới có thể làm thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ như thế nào, trong đó có chính sách với Ukraine. Cựu Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đã chỉ ra những thách thức chính mà Ukraine sẽ phải đối mặt khi tổng thống Mỹ tiếp theo lên nắm quyền và con đường phía trước được dự đoán sẽ không dễ dàng, bất kể ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau. "Cuộc bầu cử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Ukraine", ông Klimkin bình luận trên báo European Pravda. "Mỹ là nguồn hỗ trợ quan trọng mà châu Âu không thể cung cấp cho Ukraine. Thẳng thắn mà nói: sự sống còn của Ukraine như một quốc gia và một dân tộc phụ thuộc vào khả năng đảm bảo viện trợ từ Mỹ. Nếu Ukraine muốn đạt được mục tiêu này, chúng ta phải hiểu và điều hướng chính trị Mỹ", cựu ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh. Kết quả của cuộc bầu cử vào ngày 5/11 là vấn đề mà Ukraine đặc biệt quan tâm, nơi mà 4 năm tiếp theo của chính sách Mỹ - Ukraine dự kiến sẽ thay đổi đáng kể mối quan hệ của hai nước và tác động đến sự ủng hộ của Washington đối với Kiev trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga chưa đến hồi kết. Tổng thống Joe Biden là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, nhưng sự ủng hộ giảm sút trong Quốc hội Mỹ, cùng với lời kêu gọi từ một số nhân vật bảo thủ về việc rút lại sự ủng hộ dành cho Ukraine, đã làm suy yếu khả năng của Washington trong việc gửi vũ khí và viện trợ cho Kiev. "Chúng ta cần thừa nhận rằng đối với đại đa số người Mỹ, Ukraine không phải là một trong những mối quan tâm hàng ngày của họ. Điều này đã được thể hiện trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống gần đây, khi tập trung rất nhiều vào nước Mỹ theo mọi khía cạnh, đến nỗi Ukraine thậm chí không được nhắc đến", ông Klimkin cho biết thêm. Theo cựu Ngoại trưởng Klimkin, có 5 vấn đề chính sẽ trở thành tâm điểm trong quan hệ Mỹ - Ukraine trong tương lai sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thứ nhất, sự ủng hộ dành cho Ukraine không phụ thuộc đường lối đảng phái. Các cử tri Mỹ từng ủng hộ Ukraine mạnh mẽ vào đầu cuộc chiến, nhưng sự ủng hộ này đã giảm dần khi cuộc xung đột kéo dài. Trong khi đảng Cộng hòa lên tiếng nhiều hơn về việc xem xét lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine, những nghi ngờ về khả năng tiếp tục gửi hàng tỷ USD viện trợ của Washington cho Kiev đã bị đặt dấu hỏi ở cả hai đảng. "Mặc dù Ukraine phải kiên định lập trường trong việc đối thoại với Mỹ, nhưng chúng ta cũng cần lắng nghe các đối tác Mỹ và hiểu rằng họ bị thúc đẩy bởi các ưu tiên và vấn đề nóng hổi của riêng họ, chứ không phải của chúng ta. Điều đó sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử", ông Klimkin nhận định. Thứ hai, kết quả của cuộc bầu cử quốc hội sẽ đóng vai trò rất lớn. Trong khi mọi sự chú ý đang đổ dồn vào kết quả của cuộc đua giành chức tổng thống, 1/3 Thượng viện và toàn bộ Hạ viện cũng sẽ tái tranh cử. Với yêu cầu của Quốc hội là phải phê duyệt ngân sách và giám sát các liên minh quân sự, kết quả của các cuộc bầu cử này sẽ có tác động lớn đến quan hệ Mỹ - Ukraine trong tương lai. "Sau cuộc bầu cử, Kiev sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đảm bảo rằng trọng tâm hợp tác với tổng thống tương lai và chính quyền của họ không bị đảng còn lại coi là thiên vị chính trị", cựu ngoại trưởng Ukraine cho biết. Thứ ba, Mỹ đang chuyển hướng tập trung khỏi châu Âu. Công chúng Mỹ đang lo lắng hơn về việc giải quyết vấn đề lạm phát và nhập cư trong nước, hơn là xung đột và liên minh ở nước ngoài, dù cho ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo. "Bất kể ứng cử viên tổng thống Mỹ nào giành chiến thắng, tuyên bố của họ có thể thay đổi, ông Donald Trump có thể sẽ lại "kỷ luật" châu Âu, trong khi bà Kamala Harris có thể khuyến khích họ chịu nhiều trách nhiệm hơn, nhưng kết quả sẽ vẫn như vậy", ông Klimkin dự đoán. Thứ tư, ông Trump và bà Harris có những chiến lược không rõ ràng để giúp Ukraine. Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đã đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác nhau về cuộc chiến ở Ukraine. Nếu được bầu, ông Trump tuyên bố, bằng cách nào đó, ông có thể chấm dứt xung đột ngay cả trước khi trở lại Nhà Trắng, trong khi bà Harris vẫn tỏ ra ủng hộ Ukraine nhưng né tránh những câu hỏi cụ thể về việc sát cánh cùng Ukraine cho đến khi Kiev giành chiến thắng. "Vẫn còn là câu hỏi để ngỏ là liệu tổng thống Mỹ tiếp theo có coi việc Nga trở lại chung sống "có thể chấp nhận được" với phương Tây là một chiến thắng đủ cho Mỹ hay không, ngay cả khi điều đó không có nghĩa là chiến thắng cho Ukraine", ông Klimkin nói thêm. Thứ năm, không ứng cử viên nào hiểu được cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Bất chấp lịch sử lâu dài và đầy thăng trầm với Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tại dường như vẫn đánh giá sai Kiev trong một số vấn đề quan trọng. Ông Trump, người đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về cuộc luận tội đầu tiên của mình, và bà Harris, người có ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại nói chung, không được kỳ vọng sẽ hiểu rõ hơn về Ukraine hoặc lý do cuộc chiến lại xảy ra. "Tất cả các bên ở Mỹ đều nhấn mạnh Ukraine phải tự quyết định cách họ nhìn nhận con đường thoát khỏi cuộc chiến này. Nhưng ngay khi cuộc thảo luận trở nên có ý nghĩa, rõ ràng là không phải mọi lựa chọn đều được chấp nhận, ngoài những lựa chọn không làm tăng rủi ro", ông Klimkin cho biết. Theo ông, "Mỹ muốn Ukraine phải chịu trách nhiệm lựa chọn thỏa hiệp trong tương lai, bao gồm những nhượng bộ mà Ukraine sẽ phải thực hiện để chấm dứt chiến tranh".
Theo Kyiv Post
Dantri.com.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/bau-cu-tong-thong-my-tac-dong-the-nao-den-xung-dot-ukraine-20241021133305650.htm
Bình luận (0)