(Dân trí) – Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang bước vào giai đoạn nước rút với sự gay cấn chưa từng có, thu hút sự chú ý không chỉ của người dân Mỹ mà của cả dư luận trên toàn thế giới.
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến ngày cử tri ở Mỹ đồng loạt đi bỏ phiếu – 5/11. Cuộc đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump hiện nay không chỉ quyết định tương lai và con đường nước Mỹ sẽ đi trong 4 năm tới, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến nền chính trị và kinh tế toàn cầu.
Theo hãng tin NBC News ngày 13/10, cả hai ứng viên đại diện đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều có tỷ lệ ủng hộ là 48%; bà Harris bị giảm 1%, nhưng với ông Trump là tăng thêm 4% so với một tháng trước đó. Khoảng 4% số người được hỏi không chắc chắn sẽ bầu cho ai hoặc cho rằng không muốn bỏ phiếu cho bất kỳ ai trong 2 người đó; và 10% cử tri cho biết có thể thay đổi trước ngày bầu cử 5/11 tới đây.
Theo báo Wall Street Journal (WSJ), cựu Tổng thống Donald Trump đang dẫn trước Phó Tổng thống Kamala Harris tại 7 bang chiến trường – tâm điểm của cuộc đua, gồm Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada. Cụ thể, theo WSJ, 50% cử tri cho rằng ông Trump là người phù hợp hơn để xử lý cuộc chiến ở Ukraine, trong khi chỉ 39% có nhận định như vậy về bà Harris; 48% người được hỏi tin rằng ông Trump sẽ xử lý được vấn đề đối đầu giữa Israel và Hamas trong khi tỷ lệ này với bà Harris là 33%. Nhiều cử tri tin rằng ông Trump có khả năng xử lý tốt hơn các vấn đề kinh tế và nhập cư, trong khi bà Harris lại được cho rằng sẽ xử lý tốt hơn vấn đề nhà ở và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy vậy, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể thay đổi nhanh chóng trong những ngày cuối cùng.
Kamala Harris: “Làn gió mới” và những thách thức phải vượt qua
Bất ngờ được chọn thay đương kim Tổng thống Joe Biden đã sang tuổi 80, với tư cách là nữ ứng viên da màu đầu tiên và ở tuổi 59 đang rất sung sức, Phó Tổng thống Kamala Harris đã mang đến một làn gió mới cho cuộc đua và đang có cơ hội cao để trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47. Bà Harris được đảng Dân chủ đoàn kết đứng sau ủng hộ mạnh mẽ, từ những nhân vật có ảnh hưởng như cựu Tổng thống Obama và cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Với khả năng gây quỹ xuất sắc bất ngờ, bà Harris đã huy động được 678 triệu USD, gấp đôi đối thủ Trump vốn giỏi kiếm tiền, tạo ra lợi thế đáng kể để triển khai chiến dịch vận động. Bà Harris cũng thu hút sự ủng hộ rộng rãi từ các giới cử tri rất đa dạng, đặc biệt là từ cộng đồng thiểu số, phụ nữ và người nhập cư. Bà Harris luôn tỏ ra sẵn sàng và đã sớm công khai thông tin sức khỏe cá nhân, tạo ấn tượng tốt về sự minh bạch của mình. Báo cáo y tế mới nhất mà chiến dịch tranh cử của bà đưa ra kết luận bà Harris có “sức đề kháng về thể chất và tinh thần cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của tổng thống” và đang “trong tình trạng sức khỏe tuyệt vời”.
Mặc dù vậy, bà Harris cũng đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về nhiều mặt. Là Phó Tổng thống, bà chịu ảnh hưởng từ những hạn chế từ chính sách của chính quyền hiện tại, đặc biệt là về kinh tế và đối ngoại. Việc quan tâm “chứng tỏ bản thân” khác với Tổng thống Biden và nhất là những nỗ lực cân bằng lập trường về các vấn đề quốc tế nhạy cảm như xung đột Israel – Palestine/Iran đang gây không ít khó khăn phức tạp cho chiến dịch của bà.
Donald Trump: Giàu kinh nghiệm nhưng vẫn đầy tranh cãi
Dù đã thất bại trước ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden năm 2020, ông Donald Trump vẫn là một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng hiện nay. Ông Trump đã đem vào cuộc đua kinh nghiệm điều hành đất nước trọn một nhiệm kỳ và việc ông tập trung mạnh mẽ hơn vào vấn đề nhập cư và an ninh biên giới đã giúp cựu Tổng thống tiếp tục thu hút được sự ủng hộ của nhóm cử tri “bảo thủ”, vốn có nhiều lo ngại về an ninh biên giới và sợ phải chia sẻ công ăn việc làm và phúc lợi với làn sóng người nhập cư.
Việc ông Trump tranh thủ được sự ủng hộ của Elon Musk, tỷ phú công nghệ và là ông chủ mạng xã hội X trực tiếp tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử ở cả các bang chiến trường, đã đem lại cho cựu Tổng thống những thuận lợi đáng kể để tiếp tục tranh thủ thu hút các nhóm cử tri khác nhau.
Tuy nhiên, tuổi cao (78 tuổi) của Trump cũng đang gây lo ngại về khả năng lãnh đạo đất nước, đặc biệt là khi ông từ chối công bố hồ sơ y tế chi tiết từ tháng 9/2023. Bên cạnh đó, các cáo buộc pháp lý dai dẳng từ nhiệm kỳ trước, đặc biệt là về vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021 và việc ông từ chối tham gia cuộc tranh luận thứ hai giữa 2 ứng viên, hay không nhận lời trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông vốn là thế mạnh trước đây, đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho chiến dịch tái tranh cử của ông.
Như đã phân tích ở trên, ngoài những tác động tích cực, việc ông Trump tỏ ý sẵn sàng để tỷ phú Elon Musk giữ một vị trí trong chính quyền nếu thắng cử đã tạo những lo ngại nhất định về nguy cơ khả năng liên minh Trump – Musk có thể làm biến đổi cách thức hoạt động truyền thống của chính phủ Mỹ, khiến không ít người ở cả trong và ngoài nước Mỹ e ngại.
Chiến lược vận động hiện nay và các vấn đề nổi bật
Trong giai đoạn nước rút hiện nay, cả hai ứng viên tổng thống đều dành nhiều thời gian vận động tranh cử tại các bang chiến trường lần này là Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada. Ông Trump tập trung vào Arizona, Pennsylvania và Bắc Carolina; nhấn mạnh chính sách nhập cư cứng rắn và hứa hẹn tạo thêm nhiều việc làm… Trong khi đó, bà Harris cũng đang hết sức tích cực vận động tại các bang trên, đặc biệt là Bắc Carolina, nơi có đông đảo cộng đồng người Mỹ gốc Phi sinh sống là đối tượng cử tri có thể và cần phải tranh thủ.
Ngoài vấn đề nhập cư, kinh tế, việc làm và ứng phó với thiên tai là những chủ đề được cả bà Harris và ông Trump đề cập nhiều để đáp ứng sự quan tâm rộng rãi của cử tri. Đặc biệt, sau cơn bão Helene tàn phá một loạt khu vực, trong đó có bang chiến trường Bắc Carolina, cách ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai đã trở thành một vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử đang được cả hai ứng viên tổng thống tập trung khai thác.
Về truyền thông, cả hai ứng viên đều tích cực sử dụng mạng xã hội để tiếp cận cử tri, đặc biệt là giới trẻ. Bà Harris đang tận dụng các nền tảng như TikTok và Instagram để chia sẻ thông tin và cả những khoảnh khắc hậu trường của chiến dịch, trong khi ông Trump vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên nền tảng Truth Social do chính ông sáng lập nhưng cũng tích cực tranh thủ cả mạng X nổi tiếng thế giới của “đồng minh” mới là Elon Musk.
An ninh là một vấn đề đáng lo ngại khác nổi lên trong chiến dịch tranh cử hiện nay. Việc ứng viên Trump đã 2 lần bị ám sát hụt và mới đây, một người đàn ông mang theo vũ khí đã bị bắt giữ khi đang có mặt ở gần cuộc mít tinh của cựu Tổng thống, càng cho thấy độ nóng của chiến dịch tranh cử và mức độ phân cực trong xã hội Mỹ hiện nay.
Tác động từ các diễn biến trên trường quốc tế
Bầu cử tổng thống Mỹ luôn không chỉ quan trọng đối với người dân Mỹ mà còn có tác động sâu rộng đến cả thế giới. Ngược lại, những diễn biến trên thế giới cũng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp với mức độ ngày càng cao đến cơ hội chiến thắng của mỗi ứng viên.
Cuộc bầu cử năm nay đang chịu ảnh hưởng đáng kể từ tình hình quốc tế phức tạp và nóng bỏng ở nhiều nơi hiện nay. Các xung đột ở Ukraine và Trung Đông không chỉ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại mà còn có tác động gián tiếp đến nền kinh tế Mỹ thông qua giá dầu và lạm phát. Cách mà mỗi ứng viên đề xuất giải quyết những vấn đề này sẽ là chìa khóa để thu hút sự ủng hộ của cử tri và hãy cùng chờ đến ngày 5/11 để xem người dân Mỹ đánh giá như thế nào về mỗi ứng viên.
Hiện tại, Phó Tổng thống Harris gặp nhiều khó khăn hơn ông Trump khi vẫn đang phải nỗ lực cùng Tổng thống Biden xử lý những vấn đề quốc tế rất phức tạp nói trên, trong khi về nguyên tắc lại không được làm mất lòng bất kỳ phía nào trong cuộc xung đột này. Nhưng với việc khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Israel để chiều lòng các nhóm siêu vận động hành lang Do Thái ở ngay trong lòng nước Mỹ, bà Harris đã phải đánh đổi bằng sự mất mát nhất định sự ủng hộ của cộng đồng người Ả Rập Palestine cũng như của giới trẻ, nhất là sinh viên, trí thức da trắng.
Điều ảnh hưởng quyết định đến kết quả cuối cùng
Theo đánh giá chung của những nhà phân tích và dư luận, người thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống 2024 này rất có thể sẽ được định đoạt bởi kết quả tại 7 bang chiến trường, trong đó có những bang “phải thắng”, dù với chênh lệch về số phiếu phổ thông chỉ là vài ngàn cử tri. Khả năng huy động, tranh thủ sự ủng hộ cử tri của mỗi ứng viên, nhất là khối cử tri độc lập và những người còn chưa quyết định sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là ở các bang hai ứng cử viên đang có sự ủng hộ rất sát nút nhau là Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những ngày cuối cùng của chiến dịch sẽ đặc biệt quan trọng với toàn bộ chiến dịch bầu cử tổng thống lần này. Các sự kiện bất ngờ và cuộc tranh luận thứ hai (nếu có) rất có thể sẽ tạo nên những bước ngoặt quan trọng do việc ông Trump vừa qua liên tục từ chối tham gia tranh luận thứ hai với bà Harris ít nhiều đã ảnh hưởng đến quyết định của những cử tri còn đang lưỡng lự. Những yếu tố bất ngờ khác xảy ra trong ngày bầu cử, từ thời tiết xấu cho đến việc bùng nổ một sự kiện bất thường nào như ám sát hay khủng bố lớn nhỏ, có thể khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm mạnh dẫn đến những thay đổi bất ngờ trong kết quả cuối cùng.
Trên tất cả, các yếu tố như tình hình kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cũng như vấn đề nhập cư bất hợp pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong quyết định bỏ phiếu của cử tri, trong đó cách mà mỗi ứng viên tổng thống đề xuất giải quyết những vấn đề này sẽ là chìa khóa để thu hút sự ủng hộ.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 nay đã bước vào giai đoạn nước rút hết sức gay cấn và kịch tính. Đây không chỉ là cuộc đua giữa hai cá nhân mà còn là sự đối đầu giữa hai tầm nhìn khác biệt về tương lai nước Mỹ, ít nhất là trong 4 năm tới. Dù ai thắng cử, kết quả của cuộc bầu cử này chắc chắn sẽ có những tác động sâu rộng không chỉ đối với nước Mỹ mà còn cả thế giới. Ngoài việc định hình chính sách và con đường mà nước Mỹ sẽ đi, kết quả bầu cử lần này còn tác động đến cả vị thế và vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế trong những năm tới cũng như việc định hình trật tự thế giới trong tương lai.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/the-gioi/bau-cu-tong-thong-my-2024-giai-doan-nuoc-rut-hua-hen-nhieu-kich-tinh-20241016083018435.htm