Nỗ lực mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập BRICS đã khiến các nước phương Tây phải “nhíu mày”. Tờ France24 bình luận, động thái của một thành viên trong liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới – NATO đã làm nổi bật những thay đổi địa chiến lược trong thời điểm căng thẳng quốc tế gia tăng.
‘Bắt trend’ gia nhập BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định quay lưng với phương Tây? Trong ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một cuộc họp của BRICS ở Nam Phi, 27/7/2018. (Nguồn: AP) |
Vậy, Ankara đang tính toán điều gì? Có phải họ đã quyết định quay lưng với các đồng minh phương Tây lâu đời?
Ngày 3/9, phát ngôn viên đảng cầm quyền Ömer Çelik thông báo, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS). “Tổng thống của chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng, chúng tôi muốn trở thành thành viên BRICS… Quá trình này hiện đang được tiến hành”, Người phát ngôn Ömer Çelik cho biết.
Tìm mối quan hệ quốc tế cân bằng, cùng có lợi
Theo đó, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan coi bối cảnh địa chính trị đang thay đổi là cơ hội để củng cố quan hệ với cả các quốc gia phương Đông và phương Tây trong khi vẫn cam kết với NATO. Ông Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của “các mối quan hệ quốc tế cân bằng”.
Theo một báo cáo của chính phủ, Ankara tìm cách gia nhập BRICS để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và xây dựng các liên minh mới. Đưa tin đầu tuần này, TASS trích dẫn một số nguồn thạo tin xác nhận, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức yêu cầu gia nhập BRICS – khối các quốc gia thị trường mới nổi lớn, khi nước này tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu và thiết lập các liên minh mới ngoài các đối tác phương Tây truyền thống của mình.
Trong bài phát biểu tại Istanbul – thành phố lớn nhất, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa và lịch sử của đất nước vào cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ quốc tế cân bằng.
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng, có uy tín và hiệu quả nếu cải thiện đồng thời mối quan hệ với cả phương Đông và phương Tây. Bất kỳ phương hướng nào khác ngoài hướng này sẽ không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ mà thậm chí còn gây hại cho đất nước”, ông Erdogan tuyên bố.
Trong quan điểm của mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ, quốc gia này không phải lựa chọn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) như một số người từng nói. Ngược lại, “chúng ta phải phát triển mối quan hệ với cả hai tổ chức này và các tổ chức khác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.
Bình luận về việc thành viên NATO đầu tiên và ứng cử viên cho tư cách thành viên EU đệ đơn gia nhập khối BRICS do Nga và Trung Quốc dẫn đầu, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Sinan Ülgen, Trưởng nhóm nghiên cứu EDAM có trụ sở tại Istanbul, cho biết: “Đây không phải là chiến lược của Ankara nhằm thay thế phương Tây, mà là chiến lược nhằm củng cố quan hệ với các cường quốc không phải phương Tây, vào thời điểm tầm ảnh hưởng của Mỹ có phần suy yếu”.
Ngoài ra, ông Sinan Ülgen cũng cho rằng, mối quan hệ song phương Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ hiện cũng có vấn đề. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập BRICS diễn ra trong bối cảnh nước này có sự rạn nứt nhất định với các thành viên NATO, một phần là do mối quan hệ chặt chẽ của Ankara với Moscow.
Trên thực tế, là quốc gia có vị trí địa lý đặc biệt, lãnh thổ trải trên hai châu lục Á và Âu, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là trọng tâm ngoại giao của các cường quốc. Quan hệ đối tác đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ bắt đầu từ những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, khi người Mỹ và Thổ cần nhau để chống lại tham vọng của Liên Xô ở khu vực châu Âu – Trung Đông. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, mối quan hệ song phương Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ở trong trạng thái “bằng mặt mà không bằng lòng” với hàng loạt “nút thắt”, từ vấn đề người Kurd, khác biệt về lợi ích và chính sách ở Trung Đông, vấn đề mua bán vũ khí…
Nổi bật gần đây là nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ công khai “hành động cân bằng” về mặt ngoại giao kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Erdogan không muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với phương Tây, mà chỉ muốn làm mọi thứ theo cách của riêng mình và do đó, nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục có một mối quan hệ gây tranh cãi với phương Tây.
Nếu là thành viên của BRICS?
Nhà phân tích Ülgen cho rằng, BRICS không mang tính ràng buộc về an ninh nên việc gia nhập khối này có thể sẽ không ảnh hưởng đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, nhưng có khả năng ảnh hưởng đến mối quan hệ của Ankara với EU.
Trong khi đó, nhìn nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập BRICS ở một khía cạnh khác, tờ Bloomberg cho rằng, Ankara tìm kiếm tư cách thành viên BRICS trong bối cảnh thất vọng đến đỉnh điểm do nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để gia nhập EU không được đáp lại.
Những sự thất vọng tích tụ đã thúc đẩy Ankara quyết định hành động đi theo xu hướng BRICS hiện nay. Ngoài ra, như bình luận của Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tin rằng, họ sẽ làm được điều này “mà không phải trả giá về mặt chính trị”. Đồng thời, chính quyền của Tổng thống Erdogan cũng cho rằng “trọng tâm địa chính trị” đang dịch chuyển khỏi các nền kinh tế phát triển nhất. Động thái này cho thấy, mục tiêu của Ankara là “vun đắp mối quan hệ với mọi bên trong một thế giới đa cực” trong khi vẫn hoàn thành nghĩa vụ với tư cách là thành viên chủ chốt của NATO.
Nhà phân tích Asli Aydintasbas của Viện Brookings có trụ sở tại Washington DC cho rằng, “đây là điều mà cộng đồng xuyên Đại Tây Dương chắc chắn nên chú ý”. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Họ không muốn rời khỏi tư cách thành viên NATO. Họ không muốn từ bỏ tham vọng châu Âu. Nhưng họ muốn đa dạng hóa các liên minh của mình. Họ không còn coi tư cách thành viên NATO là bản sắc duy nhất, định hướng chính sách đối ngoại duy nhất của mình nữa.
Cựu đại sứ Pháp tại Syria Michel Duclos và là cố vấn đặc biệt của Viện Institut Montaigne có trụ sở tại Paris xác nhận, “một thành viên NATO gia nhập hàng đợi để trở thành thành viên BRICS có thể là điều chưa từng có, nhưng không vi phạm các quy tắc của liên minh quân sự.
Trong khi đó, BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gần đây đã bổ sung thêm Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ethiopia, Ai Cập và Saudi Arabia. Số lượng các quốc gia xếp hàng để trở thành thành viên BRICS vẫn tiếp tục tăng. Nga hiện đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của khối.
Trước khi kết nạp thêm thành viên, 5 nước BRICS ban đầu có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2 và tổng dân số 3,21 tỷ người, tương đương hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 41,53% dân số thế giới. Điểm chung của các quốc gia thành viên BRICS là dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự lớn. Họ cũng là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, khi tổng GDP của các thành viên liên tục tăng trưởng ổn định trong hàng chục năm qua và dự kiến sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới.
BRICS được coi là một đối thủ cạnh tranh tầm ảnh hưởng chiến lược với Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Mỹ đứng đầu trong trật tự thế giới tương lai. Theo đó, BRICS có mục tiêu được nêu rõ là khuếch đại tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu nhằm tái cân bằng trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn đầu. Các thành viên sáng lập của BRICS đã kêu gọi một trật tự thế giới công bằng hơn và cải cách các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).
Vì vậy, BRICS trở thành một nền tảng hấp dẫn đối với Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia lâu nay ôm tham vọng duy trì sự độc lập về kinh tế và giảm thiểu áp lực từ bên ngoài đất nước, đồng thời tích cực ủng hộ ý tưởng về một thế giới đa cực.
Ngoài ra, đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế, cũng như tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển nhanh cũng là nhu cầu cấp thiết của Ankara. Trong khi, BRICS quy tụ các quốc gia “mới nổi” là “mảnh đất” rất phù hợp, đặc biệt là giúp tiếp cận một thị trường rộng lớn và có cơ hội tăng trưởng thương mại, đầu tư. Điều này là một yếu tố vô cùng quan trọng trong bối cảnh thách thức và bất ổn kinh tế toàn cầu, khi việc đa dạng hóa các đối tác trở thành yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững.
Theo giới quan sát, trong kịch bản Ankara thực sự trở thành thành viên của BRICS, vị thế của quốc gia này là rất đáng kể. Bởi xét ở vị trí địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ là “mắt xích” quan trọng kết nối châu Âu, châu Á và Trung Đông, nước này sẽ sử dụng hiệu quả vị trí chiến lược để thúc đẩy lợi ích và tăng cường quan hệ với các nước thành viên khác, cũng như nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế, đặc biệt là trong hàng loạt lĩnh vực trọng yếu như an ninh, chiến lược kinh tế và chính trị toàn cầu.
Khả năng kết nạp ứng cử viên Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan của Nga, vào tháng 10 tới. Tờ Haberturk dẫn nguồn tin từ Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông Recep Tayyip Erdogan sẽ tham dự sự kiện quan trọng này của BRICS, diễn ra từ ngày 22-24/10.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bat-trend-gia-nhap-brics-tho-nhi-ky-quyet-dinh-quay-lung-voi-phuong-tay-284954.html