Hàng nghìn người đã xuống đường tại thủ đô Port-au-Prince và nhiều thành phố chính của Haiti yêu cầu Thủ tướng Ariel Henry ra đi vô điều kiện.
Haiti dang lâm tình trạng bất ổn khi chưa có một cuộc bầu cử tổng thống nào từ năm 2016 đến nay. (Nguồn: AP) |
Dự kiến, ngày 7/2 (giờ địa phương), Thủ tướng Henry kết thúc nhiệm kỳ như đã thỏa thuận trước đó.
Một số người biểu tình bị thương cáo buộc cảnh sát quốc gia Haiti gây ra tình trạng này khi sử dụng hơi cay để giải tán đám đông quá khích.
Ít nhất 5 đặc vụ thuộc Lữ đoàn an ninh BSAP của Haiti đã nổi dậy chống chính quyền khi bị cấm mang vũ khí, đạn dược và không được phép xuất hiện trên đường phố.
BSAP là lực lượng được trang bị vũ khí hạng nặng và việc những đặc vụ này đứng về phía đối lập đã khiến số lượng người biểu tình tăng lên theo cấp số nhân.
Nhiều người dân xuống đường yêu cầu Thủ tướng Henry tuân thủ điều 20 của thỏa thuận ký ngày 21/12/2022 quy định về thời điểm ông kết thúc nhiệm kỳ. Ông là người có thẩm quyền cao nhất tại Haiti sau vụ Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát ngày 7/6/2021.
Ông đã cam kết tổ chức bầu cử nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào được tổ chức và giới phân tích lo ngại điều này có thể khiến cuộc khủng hoảng trong nước thêm trầm trọng. Cuộc bầu cử tổng thống gần nhất ở Haiti diễn ra năm 2016.
Các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp cũng chưa được tổ chức khiến quốc hội nước này bị tê liệt. Phe đối lập đã tuyên bố kích động một cuộc biểu tình quy mô toàn quốc từ ngày 7/2.
Phe đối lập đã tuyên bố sẽ triển khai một cuộc biểu tình quy mô toàn quốc từ ngày 7/2. Cựu lãnh đạo phiến quân Haiti Guy Philippe cũng kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng nhằm lật đổ Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Haiti ngày càng nghiêm trọng, đất nước chìm trong đói nghèo và bạo lực cực độ.
Cuộc biểu tình chống chính quyền quy mô lớn nổ ra hôm 5/2 đã khiến 1 người Haiti thiệt mạng và ít nhất 3 người bị thương. Các trường học vẫn đóng cửa trong ngày 6/2 do lo ngại tình hình an ninh bất ổn.