Ma trận làm đẹp “xịn” trên Facebook, dỏm ở ngoài đời
T.T.N cho biết chị cũng đã tìm hiểu trên mạng xã hội thấy fanpage của cơ sở này có rất nhiều lượt theo dõi và bình luận. Chủ thẩm mỹ viện cho biết cơ sở ở Hà Nội có chi nhánh tại một tòa nhà lớn ở TP.HCM. Tin tưởng đây là nơi uy tín vì đặt tại một trụ sở lớn, chị N. đặt cọc 2 triệu cho dịch vụ nâng mũi giá 50 triệu đồng.
Ngày đến hẹn chị N. phát hiện cơ sở được quảng cáo chỉ là một căn phòng trong tòa nhà, không có biển hiệu, chỉ có kê hai băng ghế để phẫu thuật nâng mũi. Mặc dù lo lắng, chị vẫn hy vọng vào tay nghề của bác sĩ như quảng cáo trên mạng.
Bốn ngày sau phẫu thuật, mũi chị bắt đầu chảy dịch. Những chuỗi ngày sau đó chị rơi vào khủng hoảng với biến chứng nặng, phải tìm nơi điều trị. Khi đến bệnh viện để khám, bác sĩ chẩn đoán mũi bị nhiễm trùng đường chân chỉ, phải cắt chỉ và rút sụn ra khỏi mũi mà không được sử dụng thuốc tê do đang nhiễm trùng.
“Tôi bị viêm đường chân chỉ, phần chỉ may bị viêm làm mủ, tôi ám ảnh thực sự. Lúc mũi bị hư tôi không biết chạy đi đâu để làm cho nó hết viêm”, chị N. kể lại.
Trường hợp của chị N. là một trong hàng ngàn ca phẫu thuật thẩm mỹ gặp biến chứng do làm tại cơ sở chui trong thời gian qua. Thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cho biết, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000 đến 35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỷ lệ là 14%.
Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thời gian qua đơn vị này liên tiếp xử phạt, đình chỉ hoạt động nhiều cá nhân và cơ sở thẩm mỹ, phòng khám sai phạm. Mới đây, đơn vị này cũng đã ra quyết định xử phạt một số phòng khám chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ do vi phạm nhiều lỗi như sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh…
Vì sao đã có nhiều cảnh báo, nhưng số ca tai biến thẩm mỹ vẫn tăng?
Trước nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng ở cả phái nữ và nam, các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện ‘mọc lên như nấm’. Tuy nhiên trên thị trường thượng vàng hạ cám, cùng với sự phát triển của đủ mọi loại hình quảng cáo khiến nhiều người “hoa mắt” và cuối cùng mất tiền oan.
Những cơ sở này thường quảng cáo với hình ảnh, video sống động, những lời có cánh như “rót mật” vào tai. Kèm theo đó nhiều lời cam kết ảo, nhiều phản hồi ảo, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đưa ra những “nhân chứng sống” là những người nổi tiếng đã làm đẹp tại đây, đánh vào tâm lý người làm đẹp, thôi thúc họ đóng tiền cọc để giữ chỗ, giữ suất ưu đãi. Trước ma trận làm đẹp này, nhiều người đã “trót” tin tưởng lựa chọn.
Tỉnh táo khi lựa chọn cơ sở thẩm mỹ
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Vinh, , Bệnh viện FV cho biết, tại FV cũng thường xuyên tiếp nhận các ca tai nạn làm đẹp. Việc điều trị các ca thẩm mỹ hỏng luôn khó gấp nhiều lần so với làm đẹp, gây ra những tổn hại sức khỏe, tinh thần, tốn kém và để lại di chứng dai dẳng.
Khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, người dân nên chọn phòng khám chuyên khoa tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bệnh viện uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, có phòng mổ với quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, do vậy sẽ hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngoài ra, trong quy trình làm đẹp, người dân nên gặp trực tiếp bác sĩ sẽ phẫu thuật cho mình để tham vấn thay vì chỉ gặp tư vấn viên hoặc bác sĩ không trực tiếp mổ.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo: “Số lượt thích, bình luận và lượng người theo dõi trên một trang mạng xã hội không chứng minh được năng lực của một cơ sở làm đẹp. Thay vào đó hãy chọn những cơ sở đủ điều kiện hành nghề được cấp phép bởi các đơn vị chuyên môn”, bác sĩ Vinh nhấn mạnh.