Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, TS NGUYỄN QUỐC CƯỜNG – hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một (TDMU) – cho biết có được doanh thu lớn như vậy là do thực hiện tự chủ, trường chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, phụng sự người học.
TS NGUYỄN QUỐC CƯỜNG
Doanh thu phần lớn đến từ học phí
* Trong bối cảnh Nhà nước đẩy mạnh tự chủ đại học, là trường đại học trực thuộc UBND tỉnh, trường có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
-Trước hết phải khẳng định tự chủ là thuộc tính vốn có của giáo dục đại học. Thực hiện tự chủ là xu thế tất yếu và cũng là mục tiêu, nhiệm vụ mà TDMU xác định từ rất sớm.
Tháng 7-2019 khi Luật GDĐH có hiệu lực, TDMU báo cáo với Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và công bố thực hiện tự chủ đại học. Năm 2022, trường tự chủ tài chính chi thường xuyên.
Tự chủ đại học vừa là cơ hội, động lực và cũng là thách thức. Cơ hội, động lực là trường sẽ chủ động, năng động, sáng tạo, kịp thời đưa ra các quyết định trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo; các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động; chủ động trong việc huy động các nguồn nhân lực, tài chính góp phần nâng cao chất lượng hoạt động.
Tuy nhiên, tự chủ đại học cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Trước hết là phải bảo đảm chất lượng, liên tục cải tiến, nâng cao các mặt hoạt động và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, càng khắt khe của thị trường lao động; yêu cầu về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người học và xã hội ngày càng cao. Đây là những thách thức mà trường phải phấn đấu, chắc chắn phải thực hiện đúng và đủ.
* Doanh thu năm học 2022-2023 của trường gần 400 tỉ đồng, phần lớn vẫn đến từ học phí. Ông đánh giá thế nào về kết quả này của trường và vấn đề tự chủ tài chính của đại học nói chung?
-Theo Bộ GD-ĐT, đến nay có khoảng 35% số trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên; số trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chưa nhiều. Nguồn thu chủ yếu từ học phí là một thách thức chung của giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh tự chủ. TDMU nằm trong nhóm các trường đảm bảo chi thường xuyên từ năm 2022 và là một trong số ít trường đại học trực thuộc UBND tỉnh sớm tự chủ tài chính.
Nguồn thu từ học phí là chính cũng là điều tất yếu. Bởi sứ mệnh đầu tiên của một trường đại học là đào tạo, sản phẩm chính mà trường cung ứng cho xã hội chính là sản phẩm đào tạo, tức sinh viên và học viên ra trường. Thu từ học phí là tiền đề rất quan trọng để TDMU tự chủ tài chính. Đây là động lực, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động.
* Vậy Trường ĐH Thủ Dầu Một đã có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng, thưa ông?
-TDMU đã và đang có những bước chuyển mạnh trong các mặt hoạt động. Từ tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng đều chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ và phụng sự. Công tác quản trị của trường đã có bước chuyển từ mô hình hành chính sang mô hình dịch vụ giáo dục và đào tạo, cung cấp dịch vụ tốt đến giảng viên và người học.
Tự chủ tài chính cũng tác động đáng kể đến nhận thức và hành động trong việc xác lập mối quan hệ giữa nhà trường với các bên liên quan, nhà trường với doanh nghiệp và xã hội.
Đối với một trường đại học, đúng là nếu chỉ có nguồn thu từ học phí thì sự phát triển chưa vững chắc. Tuy nhiên, nỗ lực của TDMU thời gian qua về cơ bản đã thể hiện đúng tinh thần, quan điểm của nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng; nghị quyết 19/2017 về nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.
Lợi thế của đại học địa phương
* Trường có kế hoạch nào để thay đổi tỉ lệ các nguồn thu của trường trong thời gian tới?
– Đa dạng hóa nguồn thu, tăng nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ đại học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nhà trường.
Hiện nay, trường đã và đang tái cấu trúc các mặt hoạt động hướng đến tự chủ sâu: Trường tự chủ, phân quyền tự chủ đến các đơn vị, rõ vị trí việc làm, rõ KPIs của từng vị trí việc làm để từ đó nâng cao năng suất, hiệu suất làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ.
Trường đang xây dựng đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tính tới việc mở rộng không gian phát triển, mở ra lĩnh vực hoạt động mới, tăng cường các hoạt động dịch vụ giáo dục để đa dạng hóa nguồn thu.
* Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng đào tạo của trường đại học ở tỉnh có khoảng cách so với trường ở thành phố lớn. Ông đánh giá nhận định này thế nào và giải pháp của trường cho vấn đề này?
– Với môi trường như tỉnh Bình Dương hiện nay, Trường đại học Thủ Dầu Một không cho rằng chất lượng đào tạo ở tỉnh lại khác biệt với chất lượng đào tạo ở thành phố lớn. Trường đại học địa phương có sứ mệnh, lợi thế và cơ hội của trường đại học địa phương.
Chúng tôi có lợi thế “trong lòng cộng đồng”, nhà trường dễ dàng thấu hiểu những vấn đề của địa phương, những tín hiệu kinh tế xã hội của địa phương để từ đó thiết kế chương trình và đổi mới nội dung giảng dạy phù hợp, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.
Thực tiễn đào tạo của Trường đại học Thủ Dầu Một đã kiểm nghiệm. Tỉ lệ sinh viên thường trú tại Bình Dương luôn chiếm trên 60% quy mô đào tạo của trường; kế đến là Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai….
Các em là người dân Bình Dương, sinh trưởng và học tập ở Bình Dương. Ngoài việc am hiểu tường tận đời sống xã hội ở địa phương, các em còn tự thiết lập mạng lưới “khách hàng” như một lẽ tự nhiên, từ gia đình, họ hàng đến bạn bè.
Khi một doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng, các em sinh viên này luôn luôn được một số điểm ưu tiên nhất định. Một tỉnh năng động và là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước, với trên 30.000 doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài lớn như Bình Dương, chúng ta không quá lo lắng về điều kiện cọ xát thực tế của sinh viên so với các thành phố lớn.
Tuy nhiên, trường cũng thường xuyên quan tâm, cập nhật thông tin, kết nối sát sao để tạo môi trường sống và học tập cho sinh viên theo hướng cọ xát thực tế nhiều hơn, tự tin và có khả năng làm việc độc lập.
Đóng góp cho phát triển của tỉnh và Đông Nam Bộ
* Những năm gần đây, số lượng công bố quốc tế của trường có tín hiệu tích cực so với trước đây. Đây hoàn toàn là năng lực nội bộ của trường hay có sự hợp tác như một số trường đại học khác?
-Trường đại học Thủ Dầu Một chủ trương hợp tác trong nhiều hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Kết quả công bố quốc tế của trường trong thời gian gần đây là một phần của sự hợp tác trong hoạt động khoa học. Nhờ có hoạt động hợp tác mà tỉ lệ giảng viên công bố quốc tế của trường không ngừng tăng, đến nay đã hình thành các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế khá thuần thục.
Đóng góp của trường cho kinh tế xã hội của tỉnh, của vùng Đông Nam Bộ rõ nét hơn thông qua các đề tài nghiên cứu được ứng dụng và chuyển giao, thông qua những hội thảo, những tư vấn, khuyến nghị về chính sách…
Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-ngo-truong-tinh-doanh-thu-gan-400-ti-dong-20240723084831243.htm