Trình diễn thời trang, tái hiện các di sản thiên nhiên, di sản phi vật thể… học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã mang đến một buổi trải nghiệm đặc sắc, phong phú trong báo cáo dự án liên môn lên đến 500 sản phẩm được trình làng.
Buổi báo cáo được tổ chức tại sân trường theo hình thức như một lễ hội, có cả phần lễ, phần hội và phần tham quan, vui chơi thể hiện của học sinh.
Trên sân khấu, học sinh gây ấn tượng với sự tự tin và thuyết phục khi trình bày về dự án khởi nghiệp như sữa dê Ninh Bình, sữa chua sấy Hạ Long…
Như những nhà khởi nghiệp thực sự, sản phẩm của các em chỉn chu về hình thức và tiếp cận với khách hàng bằng khả năng marketing…
Không khí càng sôi động khi học sinh trình diễn thời trang thân thiện môi trường do chính các em thiết kế, thực hiện, trình diễn và đạo diễn. Những tràng pháo tay, cổ vũ, reo hò của học sinh khiến cả sân trường như “bùng cháy”.
Em Lê Minh Anh – học sinh lớp 11A13 – chia sẻ: “Cuối năm ngoái chúng em có thời gian trải nghiệm mấy ngày ở miền Bắc. Ý tưởng từ vịnh Hạ Long, con rồng bay và Hoàng thành Thăng Long được bắt nguồn từ đây và chúng em dựa vào đó để tìm chất liệu tái chế làm thành sản phẩm trình diễn, không ngờ sản phẩm lại được đón nhận như vậy. Em thật phấn khởi”.
Sau phần lễ biểu diễn trên sân khấu, học sinh và giáo viên đến tham quan gian trưng bày sản phẩm của học sinh các khối lớp.
Trong đó, học sinh khối 12 giới thiệu làng nghề, ẩm thực truyền thống của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Khối 10 giới thiệu di sản thiên nhiên, vật thể, phi vật thể như: Hạ Long, Tràng An, phi vật thể kéo co, dân ca quan họ Bắc Ninh…
Khối 11 thực hiện những video giới thiệu di sản bằng tiếng Anh; môn toán làm mô hình áp dụng hình học không gian…
Là giáo viên từng tổ chức nhiều tiết học liên môn, thầy Nguyễn Viết Đăng Du – tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn – rất vui mừng trước việc dự án kết hợp liên môn cho ra nhiều sản phẩm với 27 gian trưng bày kín cả sân trường.
“Dự án thử thách ở chỗ là sự kết hợp hài hòa giữa các bộ môn tự nhiên và những môn xã hội. Điều đáng nói là những sản phẩm của các em cho thấy học sinh đã có thể kết hợp hài hòa giữa kiến thức tự nhiên và xã hội”, thầy Du nhận xét.
Cô Bùi Minh Tâm – hiệu trưởng nhà trường – cho biết dự án có sự tham gia của hơn 1.000 học sinh, 50 giáo viên và thực hiện được 500 sản phẩm.
Lễ báo cáo dự án liên môn “Dấu ấn rồng bay” là một sự kiện tóm tắt lại quá trình học hỏi và rèn luyện của học sinh qua các bộ môn khác nhau. Đồng thời trưng bày và thuyết trình những sản phẩm liên môn do chính học sinh thực hiện.
“Dấu ấn rồng bay đánh dấu lần đầu tiên trường thực hiện liên môn giữa các bộ môn tự nhiên với những bộ môn xã hội và cho ra những kết quả rất đáng ngạc nhiên. Hoạt động này khích lệ tinh thần học tập của học sinh, sự phấn khởi trong vai trò là người dẫn dắt thực hiện các dự án liên môn của giáo viên”, cô Bùi Minh Tâm giải thích.
Vì sao là Dấu ấn rồng bay?
“Dấu ấn rồng bay” là một dự án học tập liên môn (toán – văn – sử – địa – sinh – hóa – ngoại ngữ) giúp học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tiếp cận và tìm hiểu các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử và sự phát triển của trung tâm Bắc Bộ như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình.
Trong lịch sử Việt Nam, vùng đất Ninh Bình – Hà Nội – Hạ Long nắm giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của quốc gia và nền văn minh Đại Việt. Theo truyền thuyết, năm 1010 vua Lý Thái Tổ cho dời đô về Thăng Long vì thấy rồng bay lên và nơi rồng đáp xuống chính là di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long.
Dự án học tập có tên “Dấu ấn rồng bay” khởi đầu với việc đưa học sinh tham quan, tìm hiểu về các vùng đất và thực hiện những ý tưởng liên quan đến tìm dấu ấn của rồng trong các vùng đất này.