Nhiều năm nay, ông Nguyễn Công Hội (51 tuổi) cùng bà con xã Hiếu, huyện Kon Plông, Kon Tum phát triển nghề trồng chè. Trải qua 5 năm, những đồi trọc nơi đây đã được phủ xanh bởi cây chè. Bà con trên địa bàn cũng có thêm nguồn thu nhập bền vững từ việc thu hái và liên kết trồng chè.
Ông Hội chia sẻ, vùng này có khí hậu lạnh rất thích hợp để trồng chè. Bà con người Xơ Đăng ở đây còn khó khăn vì chưa chọn được cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, mà chỉ dựa vào cây mì, lúa rẫy.
Nhận thấy tiềm năng khí hậu thuận lợi, ông Hội mạnh dạn đưa nhiều giống chè ở phía bắc về trồng ở xã Hiếu và vùng lân cận trồng.
Ban đầu, ông Hội trồng 5ha cây chè để thử nghiệm. Sau một năm, ông nhận thấy cây chè phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và sản phẩm cũng mang lại hương vị thơm tự nhiên.
Tiếp đó, ông xin chủ trương đầu tư và liên kết với 9 hộ dân trên địa bàn xã Hiếu và Pờ Ê để mở rộng diện tích và trồng loại chè đặc sản như: PH11, PH8, TRI5.0, LCT1, Kim Tuyên, Shan Tuyết… Ông còn thành lập ra HTX chè sạch Đông trường Sơn nhằm liên kết bà con, chung tay xây dựng vùng trồng chè rộng lớn.
Trải qua hơn 5 năm, ông Hội đã trồng hơn 50ha chè. Trong đó có 16,5ha do 9 hộ dân tại xã Hiếu và Pờ Ê chăm sóc. Sản phẩm chè sạch của HTX vừa được Cục Công Thương địa phương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022.
Việc phát triển vùng trồng chè tạo việc làm cho 20-30 lao động/ngày. Để thuận lợi trong việc sơ chế, ông Hội xây dựng nhà máy sơ chế chè với công suất 3 tấn chè tươi/ngày ngay trên địa bàn xã Hiếu.
“Giá thu mua chè tươi sẽ từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, doanh thu đạt 100-250 triệu đồng/ha. Người dân tham gia hái chè có thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng.”, ông Hội cho hay.
Nhận thấy mô hình hiệu quả, ông Đinh Văn Drinh (SN 1954, già làng thôn Vi Choong, xã Hiếu) đã chuyển đổi 2ha cây mì sang trồng chè. Già Drinh cùng với nhiều hộ trong làng còn nhận chăm sóc thêm 5ha chè mà HTX giao khoán.
Già Drinh cho hay: “Được HTX cung cấp giống, tôi cũng mạnh dạn chuyển 2ha cây mì sang trồng chè. Qua 2 năm, cây chè đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch.
Dù đang hái bói nhưng mỗi ngày, tôi đã hái được 10-20kg chè tươi và thu về khoảng 250.000 đồng/ngày. So với cây mì, cây chè mang lại nguồn thu gấp 5-6 lần. Tôi mong mô hình được nhân rộng và tạo nhiều liên kết cho bà con cùng tham gia.”.
Trên địa bàn xã Hiếu, Pờ Ê đang còn hàng trăm cây chè cổ thụ được người dân Xơ Đăng gìn giữ qua nhiều thế hệ. Những cây chè này đều có tuổi đời lên đến trăm năm, chiều cao đạt 3-5m.
Nhận thấy giống chè quý, ông Hội vận động người dân trên địa bàn bảo tồn và phát triển. Ông cũng di thực khoảng gần 100 cây chè về trồng để bảo tồn, giữ nguồn giống.
Anh Y Khiến (26 tuổi, ở xã Hiếu) cho biết: “Gia đình tôi đang sở hữu 20 cây chè cổ thụ. Những cây chè này được ông cha truyền lại từ thời xa xưa. Do ở vùng khó khăn nên cây chè tự phát triển, không có sự chăm sóc của bàn tay con người. Sau này, nhà máy thu mua loại chè này giá cao nên gia đình đã chăm sóc lại giống chè này.”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Kon Plông, cho biết: Nhiều năm nay, người dân trên địa bàn đã liên kết trồng cây chè và mang lại hiệu quả tích cực. Việc này mở ra hướng đi mới, nhiều triển vọng, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Huyện Kon Plông đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, phấn đấu đạt quy mô 500ha chè, xây dựng vùng trọng điểm ở xã Hiếu và Pờ Ê, mở rộng vùng trồng ra xã Măng Cành, Đăk Tăng. Đồng thời, triển khai các chuỗi liên kết giá trị đối với cây chè để hình thành các vùng chè tập trung, quy mô lớn.