Nhà tre với một thế giới đồ tre ở Hội An
Chủ xưởng tre ở Hội An là ông Võ Tấn Tân – xưởng tre Taboo. Hàng ngày, xưởng tre nhỏ như một ngôi nhà tre này luôn sáng đèn và vang tiếng đục đẽo từ sáng tới tối.
Khách du lịch mỗi khi tới Hội An đều tìm tới đây để trải nghiệm, tự tay làm những món đồ từ tre mà mình yêu thích để đưa về quê nhà tặng người thân.
Theo ông Tân, xưởng tre của ông hiện duy trì hai hoạt động song song là chế tác và phục vụ cho du khách trải nghiệm.
Thông qua các buổi trải nghiệm này, ông Tân cùng anh em thợ cũng giới thiệu cho khách văn hóa làng quê Việt Nam. Trong đó câu chuyện về việc người dân sống gắn bó với tre, tạo ra các món đồ từ tre luôn hấp dẫn và khiến du khách ngạc nhiên.
Bà Leonie, quốc tịch Đức, cho biết được một người bạn chỉ xưởng tre của ông Võ Tấn Tân. Khi tới nơi, bà thật sự kinh ngạc trước các món đồ với đủ hình thù lớn nhỏ được làm hoàn toàn từ tre.
Theo bà Leonie, người làm ra những món đồ này không chỉ có sự khéo léo mà còn có tình yêu tuyệt vời với cây tre.
“Nhìn những món đồ từ tre, tôi cứ ngỡ rằng người ta dùng vật liệu mềm để nhào nặn ra chứ không phải uốn, ghép từ loài cây cứng cáp như tre.
Tôi hy vọng mình sẽ tự tay làm được một món đồ để tặng mẹ tôi ở Đức” – bà Leonie nói.
Ông Võ Tấn Tân là người được biết đến nhiều trong cả nước từ câu chuyện chế tác đồ tre.
Khi học đại học và ra trường, ông Tân không đi làm ở thành phố mà quay về gầy dựng xưởng chế tác tre mỹ nghệ, đón làn sóng du lịch từ khắp thế giới đổ về Hội An.
Đưa hình ảnh tre Việt Nam ra thế giới
Vào xưởng tre của ông Võ Tấn Tân, ai cũng choáng ngợp trước những món đồ từ bàn tay, khối óc sáng tạo của nghệ nhân tre.
Từ loài cây gai góc mọc thành từng khóm gần ao hồ, ông chặt về ngâm ủ, xử lý rồi sáng tạo ra mọi thứ. Có những món đồ của ông chế tác từ tre có độ tinh xảo, hoành tráng và gây kinh ngạc cho du khách như cá chép khổng lồ, mô hình cầu rồng, cua, tôm…
Tất cả được khách đặt hàng và làm trong nhiều tháng, kích thước từ nhỏ đến lớn, có món đồ nặng hàng chục ký, to 2-3 người ôm. Giá trị những món đồ này có khi lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo ông Tân, tre là một loài cây gắn liền với đời sống người dân Việt Nam. Loài cây này có ở khắp mọi nơi, đi vào tiềm thức, ca dao, tục ngữ, câu hát…
Nhưng cây tre từ xưa tới nay cũng ít có giá trị lớn về mặt kinh tế mà chỉ là nguyên liệu của các hoạt động đời sống thường ngày ở nông thôn.
Khi thấy du lịch Hội An bùng nổ, nhận thấy năng lượng mãnh liệt từ loài cây này, ông đã theo đuổi con đường sáng tạo để tre hiện hình ở một đời sống khác. Tre phải đẹp, sang trọng và có giá trị cao hơn.
Nâng tầm vóc cho cây tre
Để tre có thể dẻo dai, màu đẹp và đủ sức uốn tạo ra các đồ vật đủ hình hài khác nhau, ông Tân đã học cách chọn tre già theo kinh nghiệm người xưa. Tre sau khi đốn thì được chặt thành khúc, đem nhấn xuống bùn non ngâm ủ trong nhiều tháng.
Việc ngâm ủ này không chỉ giúp tre đạt độ bền, dẻo dai hơn mà còn có tác dụng chống mối mọt. Các đồ vật khi được chế tác thì có mùi đặc trưng, tồn tại lâu bền trong điều kiện thời tiết nóng ẩm khắc nghiệt.
Không dừng lại ở xưởng tre nhỏ ven sông Hội An, những món đồ tre của ông Võ Tấn Tân đã có mặt ở các khách sạn 4-5 sao, những khu du lịch nổi tiếng và được khách toàn thế giới mang theo trên hành lý trở về quê nhà.