Thông thường, các tỉnh miền Đông luôn là nơi nắng nóng nhất khu vực Nam bộ. Thế nhưng, cập nhật mới nhất của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Ngày 29.3, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng ở miền Đông, miền Tây có nơi nắng nóng. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận ở miền Đông tại Biên Hòa (Đồng Nai) và Sở Sao (Bình Dương) cùng 36 độ C. Trong khi đó, ở miền Tây nhiệt độ cao nhất lên tới 36,6 độ C tại Vĩnh Long. Nắng nóng, độ ẩm tương đối thấp từ 40 – 55%.
Dự báo nắng nóng tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở miền Đông và vài nơi ở miền Tây. Có nơi xảy ra nắng nóng gay gắt từ 36 – 38 độ C như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
TP.HCM có nhiệt độ phổ biến từ 35 – 36 độ C. Tuy nhiên, do mức độ đô thị hóa cao nên nhiệt độ cảm nhận thực tế tại TP.HCM có thể cao hơn từ 2 – 4 độ C so với nhiệt độ khí tượng. Các tỉnh miền Tây có nhiệt độ cao 35 – 36 độ như: Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp…
Theo các chuyên gia, một vài ngày qua miền Đông giảm nhiệt do có các nhiễu động thời tiết khiến trời nhiều mây, cường độ nắng nóng giảm. Nam bộ đang vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, giai đoạn này còn kéo dài nhiều ngày tới. Thời gian nắng nóng trong ngày có thể kéo dài từ 9 giờ sáng đến 16 giờ chiều, nhiệt độ cao nhất từ 12 giờ trưa đến 15 giờ chiều.
Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngoài nhiệt độ cao, kèm theo đó là các tia bức xạ (tia cực tím) có cường độ mạnh tác động không tốt đến sức khỏe. Người dân khi ra đường cần chú ý phòng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên bề mặt da. Bên cạnh đó nên thường xuyên uống nhiều nước, cũng như ăn nhiều loại trái cây để bổ sung vitamine tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng, người dân cần chú ý phòng tránh.