Theo quy định pháp luật, người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình sử dụng đất. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều người sử dụng đất gần như không biết mình sẽ nộp thuế đất ở đâu, khi nào, nếu không nộp thì sẽ bị chế tài gì…
Bất ngờ khi bị từ chối hoàn thuế vì nợ thuế đất
Chị C.M (Phường 3, TP. Bạc Liêu) đi làm thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân bị từ chối vì cơ quan thuế xác định, chị nợ thuế đất. Ngớ người ra vì chẳng hiểu sao lại có khoản nợ này, chị C.M “chạy ngược chạy xuôi” để tìm hiểu, mới biết do chị chưa đóng thuế đất ở. Khi đi làm thủ tục đóng thuế, chị còn bị trừ thêm tiền phạt do chậm nộp. Chị C.M bức xúc chia sẻ: “Tự ái dễ sợ khi bị lưu trong hồ sơ là nợ thuế nhà đất, rồi còn chậm nộp, bị phạt vì quá hạn nộp thuế, trong khi mình không biết và cũng không nhận thông báo gì từ cơ quan thuế”. Không riêng chị C.M mà còn nhiều người cũng chung tình trạng này, khi được thông báo nợ thuế nhà đất.
Nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất là một trong những nghĩa vụ mà người sử dụng đất cần thực hiện trong quá trình sử dụng đất. Đối với đất ở, người sử dụng đất cần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hằng năm theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhất là những hộ sử dụng đất phi nông nghiệp ít khi quan tâm đến việc đóng thuế này vì nhiều lý do, mà theo nhiều người là không nghe địa phương yêu cầu. Trong khi theo quy định, tất cả đất không phục vụ cho mục đích nông nghiệp đều nằm trong diện chịu thuế nhà đất. Các đối tượng chịu thuế nhà đất gồm đất nằm trong khu dân cư ở thành thị và nông thôn, kể cả đất chưa xây nhà ở nhưng đã được cấp giấy phép, vẫn phải đóng thuế nhà đất.
Người dân có thể thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: K.K
Trách nhiệm từ cả hai phía
Luật quy định, hằng năm, người nộp thuế phải nộp thuế nhà đất vào 2 kỳ, chậm nhất vào ngày 30/5 đối với kỳ đầu tiên và 30/10 đối với kỳ thứ hai. Người nộp thuế có thể nộp hai lần trong một năm hoặc nộp một lần cho cả năm vào kỳ nộp thuế đầu tiên.
Cụ thể, người nộp thuế (người có quyền sử dụng đất) phải nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế quận, huyện nơi có nhà đất. Hồ sơ khai nộp thuế phi nông nghiệp gồm tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho từng thửa đất chịu thuế; bản chụp các giấy tờ liên quan đến thửa đất; giấy tờ chứng minh miễn, giảm (nếu có). Căn cứ vào quy định tại Điều 17 Thông tư 153, người nộp thuế sẽ phải nộp tiền thuế theo thông báo của cơ quan thuế và phải nộp trong thời hạn được xác định. Đơn cử như với hộ gia đình, cá nhân, trường hợp nộp tiền thuế hằng năm, chậm nhất là ngày 30/9, cơ quan thuế sẽ tính, lập thông báo nộp thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm gửi thông báo này tới người nộp thuế. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, người nộp thuế có quyền phản hồi, nếu không có ý kiến phản hồi thì phải nộp đúng với số thuế đã ghi trên thông báo.
Điều mà nhiều hộ gia đình, cá nhân thắc mắc là nhiều năm nay, họ không nhận bất kỳ thông báo tính thuế gửi đến mình, nên không thể biết số tiền thuế phải nộp hằng năm như thế nào? Chỉ đến khi có việc cần liên hệ đến cơ quan thuế, mới biết đã nợ thuế quyền sử dụng đất, thậm chí còn bị phạt vì nợ quá hạn!
Một vấn đề nữa mà nhiều người rơi vào tình trạng này cho biết, họ hoàn toàn không được chính quyền địa phương hay cơ quan thuế tuyên truyền, hướng dẫn về thủ tục để kê khai nộp thuế quyền sử dụng đất theo quy định. Tình trạng này không chỉ gây khó cho người dân mà còn gây thất thoát về nguồn thu đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho ngân sách nhà nước thời gian qua. Nhất là khi hiện nay, việc kê khai nộp thuế khá đơn giản, thậm chí có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai thông qua Cổng dịch vụ công, bằng hình thức trực tuyến. Vấn đề là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân như thế nào, để họ hiểu và hình thành thói quen nộp thuế.
Kim Phượng