Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của quân đội Nga, với tầm bắn 5.500 km, đang thách thức mọi hệ thống phòng không hàng đầu thế giới.
Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của quân đội Nga. (Nguồn: Topwar) |
Với tầm bắn vượt quá 5.000km, tên lửa Oreshnik có khả năng bao phủ khắp châu Âu, bao gồm nước Anh, Bồ Đào Nha và Bán đảo Scandinavia, cũng như toàn bộ Trung Đông và Bắc Phi.
Theo tờ Izvestia của Nga ngày 20/12, Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã lên tiếng thách thức hệ thống tên lửa phòng không của các nước phương Tây. Ông Putin tự tin tuyên bố, đối thủ không có cơ hội bắn hạ một tên lửa siêu vượt âm như Oreshnik.
Tổng thống Nga cho biết, Oreshnik có tầm bắn lên đến 5.500 km, cho thấy sự phát triển đáng kể trong công nghệ quân sự của Nga. Ông nhấn mạnh, hiện tại không có cách nào để đối phó với tên lửa Oreshnik.
Nhà lãnh đạo nước Nga tiết lộ, tên lửa này tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10, tương đương 2,5–3km/giây. “Các hệ thống phòng không hiện đại trên thế giới và hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ ở châu Âu phát triển không thể ngăn chặn được vũ khí mới của chúng ta”, ông Putin cho biết tại cuộc họp báo cuối năm.
Căn cứ vào các thông tin được công bố, tên lửa Oreshnik có thể được phát triển dựa trên tên lửa RS-26 Rubezh vốn cùng là sản phẩm của Viện Kỹ thuật nhiệt Moscow vào những năm 2000. Oreshnik được trang bị nhiều đầu đạn MIRV để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau.
Tên lửa Oreshnik cũng được ứng dụng các công nghệ siêu vượt âm tiên tiến do Nga thử nghiệm và ứng dụng trên nhiều loại vũ khí đạn đạo khác.
Nhận xét về loại tên lửa này, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Tướng Herbert McMaster cho biết sẽ mất ít nhất 15 năm để tạo ra một hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa Oreshnik của Nga.
“Các mô hình phòng thủ tên lửa xác suất của chúng tôi cho thấy hệ thống THAAD và Aegis của Mỹ không thể được sử dụng để chống lại Oreshnik và khó có thể đạt được độ tin cậy cần thiết trong vòng 15 năm tới”, Tướng McMaster nói.
Cùng quan điểm này, nhà báo Ireland Chay Bowes viết trên mạng xã hội X rằng, NATO chưa có vũ khí để chống lại tên lửa Oreshnik của Nga.
“NATO không có lời đáp nào cho hệ thống tên lửa Oreshnik mới nhất của Nga. Họ không thể ngăn chặn Oreshnik và họ biết điều đó. Họ cũng biết rằng phải mất nhiều năm nữa họ mới có thể đến gần. Oreshnik có thể tấn công bất cứ nơi nào ở châu Âu theo ý muốn. Gấu Nga đã thức giấc!”, nhà báo Ireland lưu ý.