Theo đánh giá của họ, đây là một trong những vụ nổ xa nhất và mạnh nhất từng được phát hiện.
Trong thiên văn vô tuyến, một vụ nổ vô tuyến nhanh là một xung vô tuyến thoáng qua có độ dài từ một phần nghìn giây đến 3 giây, gây ra bởi một số quá trình vật lý thiên văn năng lượng cao chưa được hiểu rõ. Trước đó, vụ nổ sóng vô tuyến nhanh đầu tiên được phát hiện vào năm 2007 và kể từ đó, hàng trăm chớp sóng vô tuyến (FRB) được phát hiện từ những vị trí xa xôi khắp vũ trụ.
Nhiều vụ nổ sóng vô tuyến nhanh giải phóng sóng vô tuyến siêu sáng, kéo dài nhiều nhất là một vài mili giây trước khi biến mất, do đó các vụ nổ sóng vô tuyến nhanh rất khó quan sát.
Theo Live Science, tín hiệu này cổ xưa và xa gấp 1,5 lần so với chớp sóng vô tuyến giữ kỷ lục trước đó. Chớp sóng có tên FRB 20220610A được phát hiện bởi Australian Square Kilometre Array Pathfinder (ASKAP), cụm kính viễn vọng vô tuyến nằm ở Tây Australia. Chỉ trong vài mili giây, tín hiệu FRB dường như giải phóng nhiều năng lượng tương đương Mặt Trời trong 30 năm. Nhóm nghiên cứu công bố phát hiện trên Live Science hôm 19/10.
Lần này, các nhà khoa học đã biết được nguồn gốc của nó: Một vụ va chạm khốc liệt giữa ba thiên hà cổ đại. Nhờ phát hiện này, các nhà thiên văn học lý giải bí ẩn về vật chất vắng mặt trong vũ trụ và có thể sử dụng tín hiệu để “cân” vũ trụ một cách hiệu quả.
Đội ngũ nghiên cứu đã theo dõi vụ nổ trên với một sự kiện dường như là 2 hoặc 3 thiên hà đang trong quá trình sáp nhập, tương tác và hình thành sao mới. Những phát hiện này trùng với những giả thuyết được đưa ra cho thấy sóng vô tuyến nhanh có lẽ đến từ sao từ hoặc các vật thể có nguồn năng lượng lớn sinh ra từ vụ nổ của các vì sao.
Gần 50 vụ nổ sóng vô tuyến nhanh được theo dõi kể từ khi nó được phát hiện và một nửa trong số chúng được tìm thấy nhờ kính thiên văn ASKAP. Các nhà thiên văn học hy vọng các kính thiên văn vô tuyến trong tương lai, hiện đang được xây dựng ở Nam Phi và Australia, có thể phát hiện thêm hàng nghìn vụ nổ sóng vô tuyến nhanh ở khoảng cách xa hơn.
Quốc Thái(Nguồn: Live Science)