“Chúng tôi nhận thấy những điểm yếu dai dẳng trong lĩnh vực BĐS chủ yếu liên quan đến các thành phố cấp thấp và nguồn tài chính của các nhà phát triển tư nhân. Đồng thời chúng tôi tin rằng dường như không có cách khắc phục nhanh chóng nào cho tình hình này”, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo cuối tuần.
Ngoài ra, các nhà kinh tế nhận định thị trường BĐS dự kiến ghi nhận “sự phục hồi hình chữ L” – được định nghĩa là sụt giảm mạnh và sau đó tốc độ phục hồi chậm.
“Dựa trên ước tính của chúng tôi, sự suy yếu về BĐS có thể sẽ là lực cản tăng trưởng trong nhiều năm đối với Trung Quốc, nhưng nó có thể ít gây đau đớn hơn vào năm 2023 so với năm 2022”, họ chia sẻ.
Dữ liệu từ tháng 5 cho thấy lĩnh vực BĐS của Trung Quốc vẫn đang vật lộn để xoay chuyển tình thế, bất chấp những dấu hiệu phục hồi vào đầu năm nay.
Các nhà quan sát thị trường dự đoán Trung Quốc có thể sẽ hỗ trợ lĩnh vực từng được coi là “xương sống” của nền kinh tế thông qua các chính sách kích thích tài khóa, dự kiến được tung ra khi nền kinh tế đang nỗ lực lấy lại động lực sau khi mở cửa trở lại từ Covid-19.
Các cổ phiếu BĐS Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã tăng vọt vào thứ Ba (13/6) sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày xuống 10 điểm cơ bản từ 2% xuống 1,9% – đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2022.
Vào 13/6, cổ phiếu của nhà phát triển BĐS Logan Group đã tăng tới 4,5% và Country Garden tăng 4% với hy vọng sẽ có thêm các biện pháp kích thích và nới lỏng chính sách trong thời gian tới.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cũng lưu ý rằng có nhiều kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều gói kích thích nhà ở hơn để hỗ trợ lĩnh vực này.
Theo Reuters, Chính phủ đã đầu tư khoảng 144 tỷ đôla trong 7 tháng đầu năm 2018 để bồi thường cho cư dân – chủ nhân của các ngôi nhà bị phá hủy nhằm thúc đẩy doanh số bán nhà và giá ở các thành phố nhỏ hơn.
Tương tự nhận định của Goldman Sachs, trong báo cáo triển vọng giữa năm, ngân hàng Morgan Stanley, cảnh báo sự yếu kém hơn nữa trong lĩnh vực BĐS có thể sẽ gây ra nhiều trở ngại hơn cho tăng trưởng của Trung Quốc.
Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley, viết: “Nếu những thách thức trong lĩnh vực nhà ở ngày càng sâu sắc và gây ra tâm lý e ngại rủi ro trong hệ thống tài chính, đồng thời ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, điều này sẽ khiến Trung Quốc suy thoái sâu hơn”.
Các nhà kinh tế của ngân hàng cho biết nếu các biện pháp nới lỏng tiền tệ không hỗ trợ được lĩnh vực BĐS đang ốm yếu, điều đó cũng sẽ dẫn đến lo ngại về tác động lan tỏa ở phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khánh Vy (Theo CNBC)