Cơ hội cho khu vực đang là “vùng trũng”
Trong 2 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu suy yếu, cả nguồn cung lẫn thanh khoản thị trường đều “chạm đáy”. Các phân khúc bất động sản có nhu cầu sử dụng thật, như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân gần như “tuyệt chủng” trên thị trường.
Trong Tọa đàm “Tiềm năng thị trường bất động sản Nhà ở thương mại và nhà ở xã hội vùng Tây Bắc” diễn ra vào chiều 21/11, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam phân tích: Hầu hết các sản phẩm đang rao bán hiện nay là hàng tồn từ các dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm trước. Hầu như không có, hoặc có rất ít dự án mới được phê duyệt.
Trước thực trạng này, thị trường chứng kiến hiện tượng “tháo chạy” của các nhà đầu tư, ở những nơi đã từng “giông bão”. Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, trong khó khăn, luôn có những điểm sáng.
“Ở những nơi ít được chú ý, chưa bị “bão” bất động sản đi qua, thì nhà đầu tư vẫn có cơ hội. Trong đó, 2 vùng đang được “săn đón” hiện nay là Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Đây được coi là 2 khu vực vùng trũng của thị trường bất động sản.
Riêng về thị trường bất động sản Tây Bắc, ông Đính đánh giá, đây là khu vực có lợi thế lớn về cảnh quan thiên nhiên, núi rừng tự nhiên, phù hợp cho phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, khu vực Tây Bắc có đường biên giới với 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc, rất thích hợp cho kinh tế mậu biên. Do đó, các phân khúc nhà phố, shophouse, nhà ở thương mại,… vẫn có triển vọng trong tương lai.
Ngoài ra, khu vực Tây Bắc đang được đầu tư mạnh về hạ tầng, một số tuyến đường Quốc lộ như Hà Nội – Lào Cai đã hoàn thành tư lâu, rút ngắn thời gian từ Thủ đô đi tới các tỉnh Tây Bắc. Sắp tới, khu vực này còn có Cảng hàng không Quốc tế Sapa được vận hành vào năm 2026;,…Đây cũng là yếu tố được các nhà đầu tư kỳ vọng.
“Sự rút lui của các nhà đầu tư ở những thị trường đã tăng trưởng “nóng” chính là cơ hội cho các khu vực đang là vùng trũng của thị trường. Đó chính là 2 cực phía Tây của Việt Nam”, ông Đính nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BB Group cho biết: Khu vực Tây Bắc có vị trí chiến lược nhờ nằm trên trục kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Khu vực này cũng là trung tâm kết giữa các nước ASEAN, các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông với Trung Quốc. Qua các lợi thế đó, ông Cường cho rằng, khu vực Tây Bắc phù hợp với các phân khúc bất động sản du lịch, nhà ở, khu công nghiệp và cả các dự án thủy nội địa.
“Đây chính là cơ hội cho thị trường bất động sản Tây Bắc bứt phá. Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, một số dự án nhà ở tại khu vực này, như dự án The Manor Tower Lào Cai, đang gây được sự chú ý của giới đầu tư”, ông Cường nói.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bị “thất sủng”
Trong Tọa đàm, giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Tây Bắc đang “thiên vị” các dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Trong khi đó, các dự án nhà ở, dù có rất nhiều triển vọng, song chưa được nhiều chủ đầu tư lớn quan tâm.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home phân tích: Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam phát triển rất nhanh, luôn đạt 2 con số. Riêng năm 2019, số lượng du khách quốc tế tới Việt Nam đạt kỷ lục, lên tới gần 19 triệu lượt khách.
Chính vì vậy, ở những nơi có lợi thế thiên nhiên, như biển và núi, nhiều chủ đầu tư đã “rót” tiền rất mạnh tay để phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Trong đó, Phú Quốc, Nha Trang và Quy Nhơn là các địa phương tăng trưởng “nóng” nhất.
Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch, ngành du lịch bị tê liệt. Cho tới năm 2023, Việt Nam phấn đấu có 13 triệu khách du lịch quốc tế, vẫn kém xa so với thời điểm trước dịch, điều này cũng khiến bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bị “thất sủng”.
“Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giống như đoàn tàu chạy rất nhanh, nhưng bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên phanh không kịp. Ở những nơi phát triển quá nóng, tới nay vẫn đang tìm cách hồi phục”, ông Nam nói.
Riêng với thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Tây Bắc, ông Nam cho rằng vẫn còn dư địa.
“So với các địa phương vùng biển, bất động sản du lịch vùng núi, nhất là khu vực Tây Bắc vẫn còn kém xa. Ở một số địa phương, như Sapa vẫn còn có hiện tượng “cháy phòng”. Vì vậy, tôi cho rằng, bất động sản du lịch vẫn còn cơ hội, nhưng cần tránh đi vào các vết xe đổ của các địa phương khác đang mắc phải”, ông Nam nhận định.
Hiện nay, giới chuyên gia và các nhà đầu tư nhận định rằng, phân khúc căn hộ dịch vụ nghỉ dưỡng chính là thị trường tiềm năng và có khả năng sinh lời nhất trong thời gian tới, do giá trị đầu tư vừa phải, phù hợp cho cá nhân và cả các nhà đầu tư lớn vì mục đích sử dụng có thể linh hoạt. Đặc biệt với những địa phương được coi là thủ phủ du lịch như Sapa thì các dự án về căn hộ dịch vụ nghỉ dưỡng tại đây chắc chắn sẽ tạo nên cơn sốt do dư địa tại Sapa không nhiều, trong khi nhu cầu của thị trường lại rất cao.