Dù thị trường chung chưa hết khó khăn, song mảng bất động sản công nghiệp vẫn thắng lớn, các doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng, kho vận ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Dù thị trường chung chưa hết khó khăn, song mảng bất động sản công nghiệp vẫn thắng lớn, các doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng, kho vận ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Trong ảnh: Nhà máy ILD Coffee Việt Nam do LDC và Instanta hợp tác phát triển. |
Tăng trưởng ấn tượng
Trên sàn chứng khoán chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Có thể kể đến những mã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) như SIP, KBC, SZC, BCM, IDC… Trong đó, SIP và KBC thể hiện sức mạnh vượt trội với khối lượng giao dịch tăng vọt trên 300%, kéo theo đà tăng giá cổ phiếu khoảng 10%. Các mã SZC, BCM, IDC cũng không kém cạnh khi thanh khoản tăng 90 – 140%.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang “thuận buồm, xuôi gió” với kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2024. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán SIP) tăng trưởng 16% doanh thu và 56% lợi nhuận. Kết quả này được đóng góp từ mảng cung cấp dịch vụ và cổ tức được chia, lãi bán các khoản đầu tư.
Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đang vận hành 4 khu công nghiệp gồm Phước Đông, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3, Lộc An – Bình Sơn, với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó còn hơn 1.000 ha diện tích đất thương phẩm chưa cho thuê, phân bổ tại Tây Ninh, Đồng Nai và TP.HCM.
Thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá đang ở thời kỳ sôi động và có triển vọng hơn bao giờ hết, khi đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC) cũng gây ấn tượng mạnh với báo cáo tài chính quý III/2024. Lợi nhuận ròng của Kinh Bắc đạt hơn 196 tỷ đồng, tăng gấp 41,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính vào kết quả này là doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp, đạt hơn 580 tỷ đồng.
Với quỹ đất dồi dào tại các khu công nghiệp Quang Châu mở rộng, Tân Phú Trung và Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc được dự báo sẽ tiếp tục thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động cho thuê đất. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), quỹ đất hiện có của Kinh Bắc có thể mang về gần 7.000 tỷ đồng từ dòng tiền cho thuê.
Tương tự, Tổng công ty IDICO – CTCP (mã IDC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.276 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của IDICO đạt 574 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 195%. Theo giải thích từ phía Công ty, kết quả kinh doanh khả quan này đến từ việc ghi nhận doanh thu một lần từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.
Không nằm ngoài xu hướng chung, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng bất động sản khu công nghiệp. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động bán và cho thuê bất động sản trong quý III/2024 đạt 730 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 30,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Cú hích này đến từ việc Hòa Phát cho thuê 70 ha đất tại Khu công nghiệp Phố Nối A mở rộng.
Đua gom quỹ đất
Thị trường bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá đang ở thời kỳ sôi động và có triển vọng hơn bao giờ hết, khi đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, ngành công nghiệp và kỹ thuật số của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI mạnh, các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi của đất nước sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang thúc đẩy vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với chi phí cạnh tranh, vị trí chiến lược và nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt làn sóng đầu tư mới này. Khi đất nước ngày càng hội nhập vào các thị trường toàn cầu, Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai ngành công nghiệp của Đông Nam Á, là điểm đến lý tưởng cho các giải pháp công nghiệp và logistics tiên tiến.
“Dòng vốn FDI mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam rất cần thiết cho nguồn cung và hiệu suất dài hạn của phân khúc bất động sản khu công nghiệp. Đáng chú ý, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển và FDI gia tăng, nhu cầu về kho bãi và mặt bằng công nghiệp xây sẵn đã tăng mạnh”, ông John Campbell, Giám đốc, kiêm Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp (Savills Việt Nam) nhận định.
Từ những động lực đang có, giới chuyên gia dự báo, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục “gánh” thị trường chung với đà hồi phục ở top đầu. Theo đó, tiền sẽ lại chảy mạnh vào túi các “đại gia” như Kinh Bắc, Viglacera, Becamex, IDICO…
Bên cạnh đó, tiềm năng của bất động sản công nghiệp cũng đang hút hàng loạt “ông lớn” gia nhập đường đua. Đơn cử, trong chiến lược sắp tới, TTC Land sẽ mở rộng mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại thị trường phía Nam. Hay Taseco Land trong thời gian qua cũng dành sự chú ý đặc biệt đến mảng bất động sản khu công nghiệp.
Mới đây, DIC Holdings, thành viên của DIC Corp, hợp tác với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Vạn Thương để được ưu tiên làm tổng thầu thi công hạ tầng dự án 400 ha tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Các tên tuổi khác như Hà Đô, Vinaconex, Becamex, Viglacera… cũng đang thể hiện nhiều tham vọng trong cuộc đua gom đất. Đại diện Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cho hay, Công ty dự kiến quay trở lại đường đua bất động sản công nghiệp.
Trước diễn biến sôi động trên thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, cuộc đua bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục nóng trong năm 2025, bởi đây đang là phân khúc “ngôi sao” của thị trường.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/bat-dong-san-cong-nghiep-thang-lon-d230449.html