Bộ Xây dựng cho biết tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản gồm 8 văn bản của 6 địa phương, 115 văn bản của 73 doanh nghiệp, 2 văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và 13 văn bản của người dân. Tổ công tác đã xem xét, xử lý 126 văn bản.
Nhìn chung, theo báo cáo, các địa phương đều đang tích cực rà soát, tổng hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn. Tuy nhiên, hầu hết mới chỉ dừng ở mức đôn đốc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho một cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện của địa phương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến hướng dẫn.
Liên quan đến tình hình thị trường bất động sản năm 2023, Bộ Xây dựng nhận định, nửa đầu năm 2023 thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Nhưng 6 tháng cuối năm đã có những tín hiệu tích cực hơn. Trong đó lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư… có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chẳng hạn nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc đến hết quý 3/2023. Nhà ở thương mại hoàn thành 42 dự án với khoảng 15.966 căn, đạt khoảng 46,15% so với năm 2022. Nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng 5 dự án với quy mô 850 căn hộ. Dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành 17 dự án bằng 56,67% so với năm 2022.
Tính đến hết quý 3/2023, cả nước có khoảng 324.378 giao dịch thành công, đạt khoảng 41,29% so với năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền, chỉ bằng 35,79% so với năm 2022. Lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ giảm, chỉ bằng 63,07% so với năm 2022.
Số liệu báo cáo của 53/63 địa phương cho thấy, lượng tồn kho bất động sản trong quý 3/2023 vào khoảng 18.808 căn, bao gồm 3.196 căn chung cư, 6.554 căn nhà ở riêng lẻ và 7.190 nền đất. Như vậy, có thể thấy, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Trong năm 2023, theo nhận định của Bộ Xây dựng bất động sản công nghiệp là điểm sáng. Quý 3 thị trường được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới như khu công nghiệp VSIP II quy mô 500 ha tại Nghệ An, VSIP Cần Thơ quy mô 900 ha, VSIP Bắc Ninh II quy mô 282 ha, khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250 ha tại Bắc Ninh, khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410 ha tại Đồng Nai… Hiện có xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức trên 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.