Với những diễn biến từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính và tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực, góp phần định hướng nhu cầu bất động sản trở về giá trị thực. Theo đó cũng làm thay đổi xu hướng mua thời gian này tập trung vào sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực…
Trong quý 1/2023, tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ đạt 3,32% là tốc độ tăng thấp nhất 12 năm qua. Ngoài ra, CPI đạt 4,18% so cùng kỳ quý 1/2022; kiểm soát lạm phát dự kiến từ 4-4,5%; dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI giảm 2,2%, trong khi tình hình lãi suất vẫn duy trì mức 11-17%/năm.
NHIỀU NGÂN HÀNG GIẢM LÃI SUẤT TIỀN GỬI
Số liệu trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên việc Chính phủ duy trì đà tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng được xem là điểm sáng của thị trường. Riêng bất động sản, ba tháng đầu năm 2023, bất động sản liên tục đón tin vui từ chính sách.
Trong đó, Nghị quyết 08 giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp, phục hồi niềm tin với thị trường này, còn Nghị quyết 33 lại là cơ hội “khơi thông” yếu tố pháp lý, nhất là điểm nghẽn về nguồn tiền cho bất động sản. Cụ thể những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Việc lãi suất huy động giảm đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm dần lãi suất cho vay. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước ngày 6/3, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,4%/năm (so cuối năm 2022) và có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.
Đi kèm việc hạ lãi suất, một số ngân hàng còn dành riêng gói tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có cho vay bất động sản. Chẳng hạn vừa qua, một ngân hàng thương mại nhà nước đã dành tới 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh như mua nhà… Đặc biệt không thể không nhắc đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng liên quan nhà ở xã hội vừa được công bố, với sự tham gia của cả bốn ngân hàng thương mại nhà nước cùng lãi suất ưu đãi 8,3% kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển nhà ở đang rất lớn.
Theo các chuyên gia, những diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính và tiền tệ của Chính phủ đã tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu của bất động sản trở về giá trị thực. Theo đó, cũng làm thay đổi xu hướng mua bất động sản thời gian này tập trung hơn vào loại hình bất động sản khai thác dòng tiền, nhất là đáp ứng nhu cầu thực.
MỨC ĐỘ QUAN TÂM ĐANG DẪN ĐẦU
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc kinh doanh, Batdongsan.com.vn thông tin: Qua khảo sát giai đoạn hiện tại, khi nhà mặt phố và nhà riêng, lượt tìm kiếm lần lượt chiếm 20% và 9%; đất nền, đất nền dự án, nếu năm 2022 có tổng số lượt tìm kiếm chiếm 31%, sang quý 1/2023 đã giảm xuống 7% chiếm khoảng 24% trong cơ cấu các loại hình bất động sản; thì loại hình căn hộ chung cư phục vụ nhu cầu ở thực và đầu tư dài hạn lại dẫn đầu với nhu cầu tìm mua chiếm 27%, tăng 4% so năm 2022.
“Đặc biệt, Batdongsan.com.vn ghi nhận sự tăng mạnh lượt tìm kiếm của từ khóa “Nhà ở xã hội” trên toàn quốc. Động thái này cho thấy dòng sản phẩm giá bán bình dân, phục vụ nhu cầu thực có sức hút lớn và dự báo giữ vai trò chủ đạo”, chuyên gia lưu ý.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Tập đoàn Newstar Group cho rằng, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ, những dự án đáp ứng nhu cầu thực, pháp lý đầy đủ hứa hẹn được chào bán và cộng đồng khách hàng mới quan tâm xuống tiền. Điều này giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Do đó, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ để đưa ra sản phẩm phù hợp, cần phải thay đổi chính mình, tạo mục tiêu kế hoạch rõ ràng, ngoài việc làm nhà ở cho người thu nhập cao cũng cần chú trọng nơi an cư dành cho người thu nhập trung bình.
Các chuyên gia nhận xét, hiện nay, thị trường nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội được kỳ vọng có nhiều biến chuyển khi Bộ Xây dựng đưa ra thông điệp mới. Theo đó, Bộ tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, dần khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở như hiện nay. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.
Sự trở lại của phân khúc nhà ở vừa túi tiền chắc chắn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Bởi đây là dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực, nhưng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, đẩy cơn khát nhà ở phân khúc này lên tới đỉnh điểm trong nhiều năm qua.
Vneconomy