“Bắt đáy” thành “bắt dao rơi”
Lãi suất huy động liên tục sụt giảm và lập đáy mới nên tiền gửi tiết kiệm giảm dần sức hấp dẫn. Chứng khoán được xem là một trong những kênh đầu tư thay thế nhiều sức hút nhất. Thị trường chứng khoán chứng kiến số lượng tài khoản mở mới cao kỷ lục. Đi kèm với nó là thanh khoản cao ngất ngưởng.
Cụ thể, theo số liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 31/8/2023 là gần 7,7 triệu tài khoản, tăng 188.635 tài khoản so với đầu tháng.
Lượng tài khoản cá nhân mở mới trong nước đạt 188.165 tài khoản, chiếm 99,75% số lượng tài khoản mở mới trong tháng 8, cao hơn mức 150.000 tài khoản mở mới trong tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ con số gần 200.000 tài khoản ghi nhận trong tháng 7/2022.
Con số kỷ lục mới trong vòng 1 năm nay cho thấy thị trường chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.
Cùng với số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh, thanh khoản của thị trường cũng “nóng” lên rõ nét. Trong tháng 8, chỉ tính riêng sàn Hose, tổng khối lượng giao dịch đạt gần 23 tỷ cổ phiếu, tương đương 507.443 tỷ đồng, tăng mạnh so với 18,4 tỷ cổ phiếu, tương đương 383.518 tỷ đồng hồi tháng 7.
Các dữ liệu này đã tạo niềm tin mãnh liệt với nhà đầu tư rằng dòng tiền chảy vào chứng khoán sẽ giúp VN-Index lập các kỳ tích mới. Chính vì vậy, khi VN-Index giảm sâu trong tháng 9, không ít nhà đầu tư tham gia bắt đáy với kỳ vọng sẽ “trúng đậm”.
Tuy nhiên, thay vì bắt đáy, nhà đầu tư đã “bắt dao rơi”.
Nhà đầu tư thua lỗ 275.076 tỷ đồng
Anh Nguyễn Đình Trung, một nhà đầu tư chứng khoán với hơn 10 năm kinh nghiệm cho biết vì quá tin vào dòng tiền nên anh rơi vào tình cảnh “bắt dao rơi”. Anh chia sẻ: “Khi lãi suất liên tục sụt giảm, tôi tin rằng dòng tiền sẽ chuyển sang thị trường chứng khoán nên VN-Index sẽ lập được các thành tích mới. Chính vì vậy, tôi dồn hết tiền hết cho cổ phiếu”.
Tuy nhiên, thị trường tháng 9 đã khiến anh thua lỗ đậm. Trải qua nhiều phiên giao dịch thăng trầm, VN-Index đóng cửa tháng 9 ở mức 1.154,15 điểm, giảm 69,9 điểm, tương đương 5,7% so với phiên cuối cùng của tháng 8. Vốn hóa thị trường sàn Hose “bốc hơi” 275.076 tỷ đồng (khoảng 11,2 tỷ USD).
Cùng với việc VN-Index giảm sâu là thanh khoản đang có xu hướng sụt giảm mạnh. Trong phiên cuối cùng của tháng 9, chỉ có hơn 13.000 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Còn tình chung cả tháng 9, sàn TP HCM có 18,4 tỷ cổ phiếu, tương đương 442.489 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công, giảm 4,6 tỷ cổ phiếu, tương đương 20% về khối lượng và giảm 64.954 tỷ đồng, tương đương 12,8% về giá trị giao dịch so với tháng 8.
Toàn sàn TP HCM giảm 5,7% trong tháng 9 nhưng danh mục đầu tư của anh Trung thua lỗ gấp đôi.
Thê thảm hơn là chị Lê Hoàng Dung (Hai Bà Trưng – Hà Nội). Chị Dung cho biết chị là F0 (người mới chơi chứng khoán). Chị tham gia thị trường được hơn 1 năm và giao dịch chủ yếu theo lời khuyên trong các “hội nhóm chứng khoán”. Vì tham gia “bắt đáy” trong tháng 9 và vô tình trở thành “bắt dao rơi”, chị Dung đã lỗ 33,81% danh mục.
“Không có kiến thức lẫn kinh nghiệm nhưng tôi mua vào theo lời các ‘chuyên gia’ Zalo nên đã lỗ 33,81%. Rất may, tổng số tiền tôi bỏ vào chứng khoán không quá lớn nên vẫn còn đường… rút kinh nghiệm”, chị Dung không giấu kinh nghiệm “xương máu” của mình.
Hiện tại chị Dung sẵn sàng cho tâm lý chứng kiến các khoản lỗ sẽ phình to hơn vì thị trường chứng khoán không được đánh giá cao trong tháng 10.
Công ty chứng khoán VCBS cho biết về góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán về gần cuối phiên cuối cùng của tháng 9 đã khiến cho VN-Index không duy trì được phiên giao dịch phục hồi tốt, đảo chiều về sát mốc tham chiếu.
Trong trường hợp tích cực, VN Index vẫn có thể hướng lên khu vực 1170 – 1175 trong ngắn hạn.
“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn để quản trị rủi ro. Các nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỉ trọng từ 10 – 30% tài khoản cổ phiếu cho chiến lược giao dịch lướt sóng ngắn hạn”, VCBS đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư.