Vài tháng qua, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc – SMIC – đã miệt mài sản xuất chip tiên tiến, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
SMIC đang thiết lập dây chuyền sản xuất mới để sản xuất chip 5 nanomet cho Huawei. (Nguồn: BBC) |
Theo CNBC, vẫn còn một số thách thức lớn đối với Trung Quốc khi nỗ lực tự chủ hơn trong ngành bán dẫn bởi những câu hỏi xoay quanh khả năng tồn tại lâu dài của những tiến bộ mới nhất của nước này.
Nỗ lực của SMIC
Năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt – Huawei – đã ra mắt Mate 60, điện thoại thông minh có kết nối 5G và chip.
Mate 60 sử dụng chip công nghệ mới 7 nanomet được sản xuất bởi một công ty đúc chip Trung Quốc, hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp).
SMIC là nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc. Quy trình 7 nanomet được coi là “rất tiên tiến” trong thế giới chất bán dẫn, mặc dù không phải là công nghệ mới nhất.
Mới đây, tờ Financial Times đưa tin, SMIC đang thiết lập dây chuyền sản xuất mới để sản xuất chip 5 nanomet cho Huawei. Điều này sẽ báo hiệu sự tiến bộ hơn nữa của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc.
Năm ngoái, cuộc cạnh tranh công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục nóng lên. Washington đã thiết kế các lệnh trừng phạt để làm chậm khả năng sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới của Bắc Kinh.
Cụ thể, tháng 10/2023, Mỹ đã đưa ra các quy tắc hạn chế xuất khẩu chip được sản xuất bằng các công cụ của Mỹ sang Trung Quốc, cũng như bất kỳ chất bán dẫn nào được thiết kế cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Các quy tắc cũng hạn chế khả năng của công dân Mỹ trong việc hỗ trợ “phát triển hoặc sản xuất” chip tại một số cơ sở sản xuất nhất định ở Trung Quốc.
Không chỉ thế, Washington gây áp lực buộc các nước khác áp đặt các hạn chế tương tự. Một trong những động thái lớn nhất là từ Hà Lan. Năm ngoái, quốc gia này chính thức đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.
Hà Lan là quê hương của ASML – công ty sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV), một công cụ quan trọng trong việc chế tạo các con chip tiên tiến nhất trên quy mô lớn với chi phí tiết kiệm. Từ năm 2019, ASML bị chính phủ Hà Lan cấm bán các EUV tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc.
Những thách thức của Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng, nếu không có các công cụ EUV, SMIC sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra các con chip 7 nanomet và nhỏ hơn, hoặc ít nhất sẽ tốn nhiều tiền hơn.
Vì vậy, khi Huawei Mate 60 ra mắt vào năm ngoái với chip 7 nanomet, rất nhiều người phải ngạc nhiên.
Một chuyên gia nói với CNBC rằng, SMIC có thể đang sử dụng các thiết bị cũ để tạo ra những con chip tiên tiến.
Còn theo Financial Times, SMIC đang hướng tới sử dụng kho thiết bị bán dẫn hiện có do Mỹ và Hà Lan sản xuất để sản xuất chip 5 nanomet.
Paul Triolo, tại công ty tư vấn Albright Stonebridge cho hay: “SMIC hiện đang hợp tác rất chặt chẽ với cả các nhà sản xuất công cụ trong nước, tận dụng nền tảng thiết bị in thạch bản tiên tiến hiện có và dựa trên kiến thức chuyên môn bên ngoài khác để không ngừng cải thiện năng suất.
Vì vậy, hiện tại, SMIC có thể tiếp tục cải thiện khả năng và sản lượng ở quy trình 7 nanomet và sắp tới là 5 nanomet cho một số ít khách hàng, chủ yếu là Huawei”.
Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá, việc sử dụng thiết bị cũ để tạo ra những con chip tiên tiến đặt ra một số thách thức lớn.
Financial Times nhận thấy, SMIC phải chịu khoản phí cao hơn 40% đến 50% cho các sản phẩm từ quy trình sản xuất 5 nanomet và 7 nanomet, so với TSMC.
TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới. Công ty này chuyên đúc chip cho các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Nvidia, AMD hay đối thủ Intel.
Pranay Kotasthane, Chủ tịch Chương trình địa chính trị công nghệ cao tại Viện Takshashila khẳng định: “SMIC và Trung Quốc có thể tiếp tục ‘ném tiền’ vào quá trình này, nhưng cuối cùng, chi phí sẽ tiếp tục tăng. SMIC có thể khắc phục các vấn đề về lợi suất hiện tại bằng cách đầu tư nhiều tiền hơn”.