Sự thống trị của đồng USD đã trở thành một đặc trưng của thương mại toàn cầu trong hơn nửa thế kỷ qua. Có đầy đủ lý do để chứng minh, USD vẫn là “vua” và còn trị vì hệ thống tiền tệ quốc tế lâu dài, bất chấp nhiều thế lực muốn phi USD hóa.
Vị thế thống trị của đồng USD còn lâu mới bị lật đổ, bất chấp mọi thế lực phi USD hóa. (Nguồn BLS) |
Thời gian gần đây, vấn đề phi USD hóa trở nên “nóng” hơn khi Mỹ không ngừng vũ khí hóa USD cho các mục tiêu chính trị và kinh tế của mình. Cùng với sự vận động mạnh mẽ trong cạnh tranh địa chính trị-kinh tế, một số quốc gia thẳng thừng tuyên bố quay lưng với đồng USD.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người, trong đó có không ít nhà phân tích cho rằng, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ bắt đầu thách thức vị trí đồng tiền dự trữ hàng đầu của USD – vốn đã vững chắc từ nhiều thập niên qua.
Sự “rạn nứt toàn cầu’ chia thế giới làm hai quỹ đạo
Tuy nhiên, xét trên thực tế, kể cả khi khối lượng giao dịch thương mại thế giới được thanh toán bằng Nhân dân tệ có thể sẽ tăng lên trong những năm tới, thì điều này vẫn khó có thể đe dọa nghiêm trọng đến vị trí trung tâm hệ thống tài chính toàn cầu của đồng USD.
Cảnh báo về sự sụp đổ sắp xảy ra của đồng USD không có gì mới. Từ những năm 1990, người ta đã rộ lên đồn đoán rằng vị thế dự trữ toàn cầu của đồng tiền Mỹ sẽ bị đe dọa bởi đồng Yen Nhật.
Vào những năm 2000, khi đồng tiền chung châu Âu – Euro ra đời đã sớm được dự báo sẽ thách thức đồng USD. Nay chỉ là đến lượt đồng Nhân dân tệ mà thôi.
Bởi những lập luận đưa ra nhằm bảo vệ sức mạnh vượt trội của các đồng tiền trên so với USD đều liên quan một phần đến sức nặng kinh tế.
Hiện người ta đang tranh luận khi nào Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chưa biết đến khi nào, nhưng rõ ràng, Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai gần. Theo đó, Trung Quốc đương nhiên sẽ là một đối tác trong một phần lớn các giao dịch xuyên biên giới.
Quan trọng hơn, sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là đối thủ chiến lược của Mỹ đang định hình lại hệ thống kinh tế toàn cầu, theo cách đó, khiến nhiều người đặt câu hỏi về quyền bá chủ của đồng USD.
Kỷ nguyên toàn cầu hóa quét qua thế giới trong những năm 1990 và 2000 đã qua. Thay vào đó là một hiện tượng mà các nhà phân tích tại Capital Economics gọi là “sự rạn nứt toàn cầu”. Đây là ý tưởng cho rằng, thế giới đang chia thành hai khối, hai “quỹ đạo”: Một khối chủ yếu ủng hộ Mỹ và một khối khác chủ yếu ủng hộ Trung Quốc.
Người ta lập luận rằng, khi Trung Quốc kéo các nền kinh tế khác vào quỹ đạo của mình, họ sẽ đẩy mạnh thanh toán bằng Nhân dân tệ trong các hoạt động giao thương trong khối, do đó giảm bớt việc sử dụng đồng USD.
Điều này dường như đã được chứng minh bằng các cuộc gặp cấp cao có sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nguyên thủ quốc gia khác diễn ra gần đây.
Tháng 12/2022, tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và các nhà lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), các bên đã công bố “mô hình hợp tác năng lượng toàn diện mới”, bao gồm việc thúc đẩy thương mại năng lượng giữa Trung Quốc và vùng Vịnh bằng đồng Nhân dân tệ.
Và trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Tổng thống Lula da Silva của Brazil đã kêu gọi chấm dứt sự thống trị của USD trong thương mại thế giới.
Chứng minh bằng thực tế
Tuy nhiên, trong khi sự rạn nứt toàn cầu về cơ bản sẽ định hình lại bối cảnh kinh tế và tài chính thế giới trong thập niên tới, những hậu quả đối với đồng USD có thể sẽ ít kịch tính hơn nhiều so với cảnh báo.
Có ba lý do chứng minh cho nhận định này.
Thứ nhất, trong khi phần lớn các cuộc tranh luận tập trung vào vị thế của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ ưu việt của thế giới, ảnh hưởng tài chính và địa chính trị của nó chủ yếu bắt nguồn từ việc đồng bạc xanh đang chiếm ưu thế trong các giao dịch xuyên biên giới.
Theo cuộc khảo sát ba năm một lần do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) thực hiện, 88% giao dịch trên thị trường ngoại hối vào năm 2022 diễn ra bằng USD – gần giống như những năm 1980, khi lần đầu tiên BIS tiến hành khảo sát. Trong khi đó, chỉ có khoảng 5% giao dịch liên quan đến đồng Nhân dân tệ.
Hơn nữa, trong khi thương mại giữa các quốc gia liên kết với Trung Quốc đang phát triển mạnh, thì tỷ lệ này vẫn chỉ chiếm 6% thương mại toàn cầu.
Ngược lại, hơn 50% thương mại toàn cầu diễn ra trong “quỹ đạo” của Mỹ và hơn 80% thương mại toàn cầu liên quan đến một quốc gia liên kết với Mỹ. Tất nhiên, các mối quan hệ thương mại này sẽ tiếp tục được giao dịch bằng USD.
Thứ hai, tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao của Trung Quốc có nghĩa là nước này có xu hướng thặng dư tài khoản vãng lai lớn, điều này sẽ tác động ngược lại đồng Nhân dân tệ với tư cách là một đối thủ tiền tệ dự trữ hàng đầu của đồng USD.
Các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc cũng khó thuyết phục thị trường nhìn nhận vai trò của đồng Nhân dân tệ “ngang ngửa” như USD.
Để Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền quốc tế lớn, Trung Quốc cần phải cung cấp cho phần còn lại của thế giới một lượng lớn tài sản an toàn, dễ dàng thanh khoản và có thể chuyển đổi đồng Nhân dân tệ làm tài sản dự trữ cho các ngân hàng trung ương khác, đồng thời làm tài sản thế chấp trên thị trường tài chính. Đổi lại, điều đó sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận chính sách của Bắc Kinh, từ bỏ phần lớn quyền kiểm soát chính trị đối với nền kinh tế vốn. Đó là một vấn đề hiện tại mà Nhân dân tệ chưa có được.
Cuối cùng, đồng USD sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội. Để một loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi như một phương tiện trao đổi quốc tế, nó phải sẵn có và dễ dàng chuyển đổi trên khắp thế giới. Điều đó phụ thuộc vào việc thị trường quốc tế sẵn sàng nắm giữ nó với khối lượng dù lớn hay nhỏ. Nói cách khác, nó phải hoạt động như một kho lưu trữ giá trị.
Đồng USD hiện không phải là loại tiền tệ duy nhất có thể thực hiện vai trò này. Nhưng bất kỳ giải pháp thay thế nào cũng cần có các thuộc tính quan trọng này – phải được hỗ trợ bởi các tổ chức mạnh và ổn định, đồng thời được phát hành bởi một ngân hàng trung ương vận hành một tài khoản vốn mở.
Và trên thực tế hiện nay, điều đáng chú ý là bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt và đóng băng tài sản đối với Nga trong năm qua, khoảng một nửa xuất khẩu của nước này vẫn được thanh toán bằng USD hoặc Euro.
Ngoài ra, bất kỳ loại tiền tệ nào sở hữu những đặc điểm tương tự đồng USD, còn phải vượt qua các “hiệu ứng mạng” mạnh mẽ – vốn đang là nền tảng vững chắc, bảo hộ cho sự thống trị toàn cầu của đồng bạc xanh. Trong kinh tế học, “hiệu ứng mạng” liên quan đến thực thể nào đó đã đạt được giá trị vô hình hoặc tầm quan trọng đặc biệt, khi có đông đảo người sử dụng và do đó, trở nên khó bị loại bỏ hơn.
Tất cả những yếu tố này có khả năng đánh bại sự xuất hiện của đồng Nhân dân tệ ở quy mô đe dọa vị thế của USD.
Xoay đồng hồ về phía trước 10 năm, rất có thể hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay đã bị phân mảnh hơn rất nhiều – nhưng có đặc điểm không thay đổi là hệ thống ấy vẫn lấy đồng USD làm cốt lõi, bất chấp nhiều thế lực mong muốn phi USD hóa.