Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, lượng thép HRC nhập khẩu về Việt Nam là 1,2 triệu tấn, tăng 34% so với tháng 8 và bằng 220% sản lượng sản xuất trong nước (568.000 tấn).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 8,8 triệu tấn HRC, tăng 26% so với cùng kỳ 2023 và bằng 171% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 72%, với 6,3 triệu tấn.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ thép cán nóng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ đạt 5,1 triệu tấn.
Thép Trung Quốc chiếm phần lớn trong số lượng nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu do giá bán từ thị trường này thấp hơn các thị trường khác từ 30-70 USD, tùy từng loại sản phẩm. Điều này xuất phát từ thực tế Trung Quốc chưa thoát khỏi khủng hoảng “thừa thép”, tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất thép nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá thấp để giải phóng bớt hàng tồn kho, ảnh hưởng đến ngành thép toàn cầu.
Điều đáng nói, lượng thép cuộn cán nóng vẫn ồ ạt vào Việt Nam bất chấp cuộc điều tra chống bán phá giá. Vì vậy, các chuyên gia về phòng vệ thương mại cho rằng Bộ Công Thương cần đẩy nhanh cuộc điều tra với mặt hàng này để bảo vệ sản xuất trong nước.
Đánh giá về hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, nhấn mạnh ngành thép là ngành hàng có tính cạnh tranh cao nhưng luôn có tình trạng dư cung trên toàn cầu nên dễ xảy ra hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá để giải quyết lượng tồn kho, đặc biệt trong những giai đoạn mà thị trường tại nước xuất khẩu gặp khó khăn.
Vì vậy, thép là một trong những ngành hàng có số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại lớn nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Trong những năm qua, nhờ có các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành thép Việt Nam đã có cơ hội phát triển, đủ sức cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu trên thị trường trong nước. Đồng thời, ngành thép cũng đã xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ, đủ năng lực để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.
“Muốn nuôi dưỡng các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì chính sách phải rất rõ ràng, phải ủng hộ sản xuất trong nước, chứ thứ mà doanh nghiệp cần từ Nhà nước không phải là tiền”, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long chia sẻ.
Theo ông Long, hiện nay, nước nào cũng đã lập hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng nhập khẩu tràn vào, đe dọa sản xuất trong nước. Nếu chúng ta không có các hàng rào kỹ thuật thì sản xuất trong nước sẽ cực kỳ khó khăn trước sức ép từ hàng nhập khẩu.
Trước đó, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Việc điều tra được tiến hành theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương và Hiệp định chống bán phá giá của WTO.
Hàng hóa thuộc diện điều tra là một số sản phẩm thép cán nóng hợp kim hoặc không hợp kim; chưa được gia công quá mức cán nóng, độ dày từ 1,2-25,4mm, chiều rộng không quá 1.880mm; không có lớp mạ hay tráng phủ; có phủ dầu hoặc không phủ dầu; hàm lượng carbon dưới 0,6% tính theo khối lượng.
Theo quy định của Luật Ngoại Thương và Nghị định 10/2018/NĐ-CP, căn cứ vào kết luận điều tra sơ bộ, cơ quan điều tra có thể kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời. Mức thuế CBPG tạm thời không vượt quá biên độ phá giá trong kết luận điều tra sơ bộ.
Các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép cán nóng Trung Quốc. Lượng sản xuất của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ mà từ 2019 hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá.
Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất cuộc điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Trong số báo chính thức ngày 11/ 10/2024, các quyết định được đưa ra cùng với Thông báo về Ngăn chặn Cạnh tranh Không Công bằng trong Nhập khẩu (Thông báo số: 2023/31). Cuộc điều tra bao gồm nhiều sản phẩm thép cán nóng thuộc các vị trí thuế quan hải quan 7208, 7211, 7212 và 7225. Trong phạm vi quyết định được đưa ra, các biện pháp chống bán phá giá sẽ được áp dụng để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước đối với các sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bat-chap-lenh-dieu-tra-thep-cuon-can-nong-van-o-at-vao-viet-nam-2331285.html