Cô bé Lethukuthula Bhengu (còn gọi là Lethu), được coi là biểu tượng chống nạn mù chữ ở Nam Phi. Chỉ mới 3 tuổi, cô bé đến từ thị trấn Soweto thuộc tỉnh Gauteng, cách thủ đô Johannesburg 15km về phía Tây Nam, đã đọc tốt hơn 80% trẻ em Nam Phi ở bậc cuối cấp tiểu học.
Nằm chơi trên tấm thảm nhỏ, bé Lethu cầm một cuốn sách và đọc to, trôi chảy trước sự vui mừng của cha mẹ mình. “Mẹ đã dạy cháu đọc”, Lethu vừa nói vừa giơ cuốn sách màu tím có hình chú voi đang nhảy múa. Đó là cuốn sách “Tippie thích vui đùa” mà Lethu rất yêu thích.
Phakiso Masooa, 27 tuổi, bố của Lethu cho biết, vợ chồng anh bắt đầu dạy Lethu tập đọc từ khi cô bé mới hai tuổi. Họ nhận thấy con gái ghi nhớ và liên kết các từ, đồ vật rất nhanh, nhất là khi cả gia đình đi mua sắm. Trong khi 81% trẻ em ở độ tuổi lên 10 vật lộn để đọc và hiểu cùng một lúc thì kỹ năng đọc sớm của bé Lethu là rất hiếm ở Nam Phi. Vì vậy, trang TikTok mà anh Phakiso lập cho cô bé đã thu hút 1 triệu người theo dõi.
Bé Lethukuthula Bhengu rất thích đọc sách ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh: AFP |
Theo AFP, 30 năm sau khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc, bình đẳng trong giáo dục vẫn là vấn đề nhức nhối ở Nam Phi. Trong Báo cáo nghiên cứu tiến độ đọc hiểu quốc tế (PIRLS) công bố mới đây, Hiệp hội Quốc tế đánh giá thành tựu giáo dục (IEA) đã khảo sát năng lực đọc hiểu của hơn 400.000 học sinh tại 57 quốc gia trên toàn cầu. Đứng đầu là Singapore với 587 điểm so với 500 điểm trung bình quốc tế, trong khi Nam Phi xếp hạng cuối cùng với 288 điểm. Trong đó, hơn 81% số trẻ em độ tuổi 8-9 theo học lớp 4 tại Nam Phi gặp khó khăn trong việc đọc hiểu. Tỷ lệ thiếu niên không biết đọc tại quốc gia này cũng tăng từ 78% năm 2016 lên 81% năm 2021. Bộ trưởng Bộ Giáo dục cơ bản Nam Phi Angie Motshekga cho rằng, nguyên nhân dẫn đến “kết quả đáng thất vọng” trên một phần là do đại dịch Covid-19 buộc các trường học phải đóng cửa một năm.
Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Ân xá quốc tế Nam Phi Shenilla Mohamed cho rằng, những vấn đề đã tồn tại trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong những năm qua, mặc dù Nam Phi đã chi ngân sách khổng lồ cho giáo dục nhưng tình trạng đọc hiểu của học sinh không mấy cải thiện. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ tình trạng phân biệt chủng tộc tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, cũng như thiếu tài liệu học tập và hạ tầng thiết yếu, bao gồm nhà vệ sinh tại nhiều trường học trên cả nước.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/bat-cap-viec-tre-em-nam-phi-khong-doc-hieu-thong-thao-truoc-10-tuoi-730909