Những năm gần đây, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại nói chung trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển “nhảy vọt”. Thanh Hóa đã và đang trên đà trở thành một điểm giao thương năng động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân nội tỉnh và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng dịch vụ, thương mại đối với một số hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM), cửa hàng chuyên kinh doanh bán lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những điểm bất cập.
Người dân mua hàng tại Siêu thị Miền Tây, thị trấn Yên Cát (Như Xuân).
Tính đến đầu tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh có 398 chợ đang hoạt động, tăng 7 chợ so với năm 2022, trong đó có 10 chợ hạng 1, 34 chợ hạng 2 và 354 chợ hạng 3. Hiện nay, có 86 chợ do các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng và vận hành, quản lý, bảo đảm tự chi thường xuyên; 312 chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, hiện đang giao khoán thầu cho các tổ chức, cá nhân vận hành. Có 2 TTTM và 30 siêu thị; trong đó, có 13 siêu thị tổng hợp và 17 siêu thị chuyên kinh doanh các mặt hàng như: giày dép, điện máy, đồ gỗ nội thất… Hệ thống siêu thị bước đầu hoạt động có hiệu quả, người dân đã hình thành thói quen mua hàng tại các siêu thị. Việc phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Thị trường hàng hóa và dịch vụ tương đối ổn định, sức mua của dân cư tăng, giá cả bình ổn, hàng hóa dồi dào, phong phú nguồn cung, đáp ứng tốt mọi nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.
Mặc dù có sự phát triển khá “nóng”, tuy nhiên, hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Bất cập dễ nhận thấy nhất là hệ thống chợ, TTTM phát triển tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, trung tâm thành phố, thị trấn, trung tâm xã; ở khu vực nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt. Kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là mạng lưới chợ tuy có bước phát triển nhưng số lượng, chất lượng còn hạn chế, chưa đạt tiêu chí về chợ trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Một số chợ tại khu vực nông thôn hiện đã xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ sở vật chất kỹ thuật của đa số các chợ vẫn nghèo nàn, sơ sài và còn đang trong quá trình củng cố, nâng cấp từng bước. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho đầu tư xây dựng chợ, cũng như kêu gọi vốn xã hội hóa cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi thu nhập và sức mua của người dân không cao nên rất khó thu hút đầu tư nếu không có chính sách phù hợp, hấp dẫn… Việc triển khai chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ cũng không đồng đều. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Như Xuân: Với các chợ xã, thu hút được các dự án đầu tư thật sự khó khăn do lộ trình thu hồi vốn dài. Hiện nay, việc đầu tư chợ được thực hiện hỗ trợ tiền thuê đất theo Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định đối với nhà đầu tư do chính sách thuê đất chỉ được hỗ trợ hàng năm. Do đó, tâm lý nhà đầu tư e ngại sự thay đổi về chính sách khi thực hiện đầu tư số vốn lớn vào chợ. Bên cạnh những khó khăn khi thu hút đầu tư, việc vận hành chợ sau chuyển đổi sao cho hiệu quả cũng đang cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 về xây dựng siêu thị cũng đang tồn tại những bất cập. Những vị trí đất “vàng” thường được “ưu tiên” để lựa chọn nhưng một số dự án lại được đầu tư rất “nửa vời” hoặc “treo” trong thời gian dài. Điển hình như dự án TTTM Bờ Hồ tọa lạc tại vị trị đắc địa nhưng sau nhiều lần qua tay các chủ đầu tư, thay đổi nhiều phương án kiến trúc vẫn chưa có được “hình hài” điểm nhấn như kỳ vọng. Hay một số dự án thương mại như: Tổ hợp thương mại Melinh Plaza, Tổ hợp thương mại Eden… sau nhiều năm được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng tiến độ đầu tư rất chậm.
Vì vậy, để phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại; khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như: TTTM, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động… Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ phù hợp với từng địa phương; tăng cường hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết thị trường và xúc tiến thương mại; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn. Tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa cho người dân nông thôn. Xây dựng quy chế hoạt động chung cho hệ thống các chợ; nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng. Kiên quyết dẹp bỏ các điểm chợ cóc, không bảo đảm các điều kiện kinh doanh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bài và ảnh: Chi Phạm