Theo chương trình GDPT 2018, lên lớp 10, ngoài các môn bắt buộc học sinh sẽ được chọn nhóm môn học lựa chọn theo năng lực, thế mạnh của bản thân. Định hướng này được cho là phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT và cũng là điểm mới, sự khác biệt so với chương trình 2006.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai đã cho thấy có sự bất cập vì có những học sinh chọn sai nhưng muốn đổi tổ hợp môn lại gặp khó khăn. Thậm chí, có em đến lớp 12, chuẩn bị đăng ký thi tốt nghiệp mới hoang mang, lo lắng không chọn đúng tổ hợp.
Ông Nghiêm Chí Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thực tế vẫn có học sinh sau khi lựa chọn môn học, vào học một thời gian mới nhận ra đã chọn sai. Học sinh xin đổi tổ hợp môn vẫn được đáp ứng nguyện vọng, tuy nhiên theo quy định, hết năm học lớp 10 mới được đổi sang tổ hợp khác và phải bổ sung kiến thức môn học đảm bảo điều kiện.
“Khảo sát học sinh về việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa qua của trường cho thấy, tỉ lệ chọn môn thi Ngoại ngữ nhiều nhất, tiếp đến là các môn Lịch sử, Địa lý trong khi các môn về Sinh học, Hóa học rất thấp. Học sinh có xu hướng chọn các môn xã hội nhiều hơn”, ông Thành nói.
Bà Trần Thu Hiên, phụ trách chuyên môn, trường THPT Hòa Bình La Trobe (Hà Nội) nói rằng, những năm qua, nhà trường nỗ lực để thiết kế các tổ hợp đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh tuy nhiên các em có tâm lý “né” các môn tự nhiên từ sớm để chọn các môn xã hội.
Ví dụ năm học này, trường tuyển vào lớp 10 hơn 330 học sinh thì chỉ có duy nhất 1 lớp với 38 em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên, số còn lại chọn các môn xã hội.
Trong kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng nêu, học sinh phải chọn các môn lựa chọn ngay từ đầu cấp THPT, tức là phải khẳng định về định hướng chuyên môn sâu cho mình ngay từ khi vào trường THPT trong khi chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS là sự bất cập.
Về nguyên tắc, học sinh được đăng ký chọn tự do đối với các môn học lựa chọn để chủ động tạo ra các tổ hợp phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp theo các tổ hợp xét tuyển sinh dự kiến của các trường đại học (các tổ hợp truyền thống A00, A01, B00, B03, C00, D01…) nhưng trên thực tế quyền sắp xếp các tổ hợp môn học lựa chọn lại tùy thuộc điều kiện của các nhà trường.
Thực tế, nhiều tổ hợp môn học lựa chọn do trường THPT lập ra có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Dẫn đến hệ quả nguồn nhân lực đầu vào các môn khoa học tự nhiên sụt giảm và hệ lụy là các ngành khoa học cơ bản và các ngành khoa học STEM sẽ giảm về số lượng và ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng của hệ thống trong tương lai.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT cần khẩn trương đánh giá toàn bộ chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học, đặc biệt là ở phân khúc THPT để phát hiện và điều chỉnh bất cập.
Nguồn: https://vtcnews.vn/bat-cap-lua-chon-mon-hoc-tu-lop-10-ar912843.html