SGGP
Số lượng hợp tác xã (HTX) ở Bắc Tây Nguyên nhiều nhưng hoạt động chưa đúng bản chất, thậm chí có HTX chỉ hoạt động… trên giấy.
HTX Dịch vụ thương mại và Nông nghiệp Ia Kênh được địa phương xếp loại trung bình, nhưng thực tế đã ngừng hoạt động nhiều năm |
Hoạt động không hiệu quả
Trong danh sách Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cung cấp, HTX Dịch vụ thương mại và Nông nghiệp Ia Kênh (làng Mơ Nú, xã Ea Kênh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xếp hạng năm 2022 thuộc loại trung bình. Tuy nhiên, theo đại diện UBND xã Ea Kênh, HTX này ngừng hoạt động đã lâu. Ghi nhận thực tế, hiện trụ sở HTX (được UBND xã cho mượn khi thành lập) đã bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ông Trần Văn Ân, Giám đốc HTX, cho biết, ông tiếp nhận chức vụ giám đốc từ người tiền nhiệm sau 2 năm HTX thành lập. Lúc đó, HTX chưa hoạt động kinh doanh gì. Ông Ân cho biết ban đầu tính kinh doanh cây giống, phân bón nhưng dịch Covid-19 xảy ra khiến HTX tê liệt từ đó đến nay, ông không có ý định phục hồi hoạt động HTX và có thể bàn giao cho người khác điều hành.
Huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có 31 HTX. Trong đó, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bàu Cạn (xã Bàu Cạn) thành lập năm 2022, chuyên thu mua nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp. HTX này có 7 thành viên, hiện chưa có trụ sở, đang thuê kiốt rộng khoảng 30m2 để thu mua chanh dây. Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX, đơn vị gặp khó khi quỹ đất hạn hẹp, khó tiếp cận vốn vay. HTX đã kêu gọi thêm xã viên tham gia nhưng người dân không mặn mà…
Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng cho biết, trong 31 HTX trên địa bàn, có 30% là hoạt động có lời, 40% huề vốn, số còn lại làm ăn yếu kém, thua lỗ. Nhìn chung, các HTX sản xuất còn manh mún, lạc hậu; sự liên kết với các nhà sản xuất, tiêu thụ còn yếu; sức cạnh tranh trên thương trường còn nhiều mặt hạn chế nên lợi nhuận không cao; năng lực quản lý, vốn, công tác phối hợp còn hạn chế là lý do dẫn đến sự yếu kém của các HTX.
Tại Kon Tum, số HTX cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2013, tỉnh có 96 HTX thì đến năm 2021, con số này là 194, nhưng chỉ có 69/194 HTX hoạt động có hiệu quả.
Hoạt động… trên giấy
Dù HTX đã ngừng hoạt động nhưng địa phương vẫn xếp vào diện đang hoạt động, sự việc này xảy ra ở tỉnh Kon Tum. Cụ thể, từ tháng 8 đến tháng 9-2022, Đoàn giám sát HĐND tỉnh tiến hành giám sát tình hình hoạt động các HTX trên địa bàn. TP Kon Tum báo cáo có 2 HTX dừng hoạt động, nhưng thực tế giám sát có 16 HTX ngừng hoạt động; huyện Sa Thầy báo cáo có 3 HTX dừng hoạt động, nhưng thực tế giám sát có 5 HTX; huyện Đắk Tô báo cáo 3 HTX ngừng hoạt động, nhưng thực tế giám sát có 6 HTX.
Cũng theo kết quả của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum, nhiều HTX hoạt động không đúng bản chất của Luật HTX năm 2012 như: nhiều HTX góp vốn trên danh nghĩa, còn thực tế vốn điều lệ do 2 đến 4 thành viên góp, các thành viên còn lại đóng góp công sức hoặc tài sản; hoạt động một số HTX được giám sát thực chất là nhóm liên kết, tổ hợp tác… Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp chưa thuê được đất làm trụ sở, nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh. Có HTX còn mượn nhà đất của thành viên hoặc trụ sở doanh nghiệp, trạm kiểm soát biên phòng để làm trụ sở, đặt bảng hiệu. Có HTX còn sản xuất, kinh doanh ngoài ngành nghề đăng ký…
Tại Gia Lai, ông Nguyễn Mậu Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX Gia Lai, cho biết, đến hết quý 1-2023, Gia Lai có 391 HTX, trong đó có 70 HTX ngưng hoạt động vì không hiệu quả và chưa chuyển đổi theo luật; còn lại 321 HTX đang hoạt động thì qua đánh giá, ước tính HTX kinh doanh có lãi là 35%, số còn lại là ngang vốn và lỗ.
Kiến nghị sớm đưa vào hoạt động tổ chức tín dụng
Theo ông Nguyễn Mậu Phong, có nhiều lý do khiến các HTX trên địa bàn hoạt động chưa hiệu quả như thiếu vốn; trình độ quản lý của HTX còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản. Để vực dậy các HTX, vừa qua, HĐND tỉnh Gia Lai có nghị quyết thành lập Công ty TNHH MTV của nhà nước về tín dụng. Tổ chức này như một đơn vị tín dụng chuyên cho HTX vay ưu đãi, hiện đã thống nhất bộ máy, vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Liên minh HTX Gia Lai mong muốn các sở ngành giúp các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị, mở rộng thị trường.