Nhà thầu càng làm càng lỗ
Tại hội nghị, ông Phùng Tiến Thành, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng Thông tư 12/2021 (TT 12) do Bộ Xây dựng ban hành đang có nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường, định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ.
Đơn cử như định mức thi công móng cấp phối đá dăm, nếu định mức trước đây, hao phí vật liệu là 1,42 m3 đá/m3 móng hoàn thiện thì đến TT 12, hao phí vật liệu chỉ còn 1,34 m3 đá/m3. Hệ lụy là khi thi công dự án, các nhà thầu đều “âm” vật liệu.
Đại diện Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính, nhà thầu thi công nhiều dự án cầu lớn, cho biết nếu trước đây các dự án giao thông chủ yếu là kết cấu giản đơn, đúc hẫng thông thường, thì nay ngày càng có các công trình cầu quy mô lớn, yêu cầu độ khó cao như cầu vòm thép, cầu dây văng… Cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện, ban hành định mức cho cầu kết cấu đặc thù.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn, cho biết đã nhiều lần nêu ý kiến về bất cập định mức đơn giá, thậm chí kiến nghị lên Chính phủ về tình trạng các nhà thầu “càng làm càng lỗ”.
“Các định mức xây dựng như cấp phối đá dăm, xi măng… rất nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả các nhà thầu. Bên cạnh đó, xác định khung giá nhân công theo TT 12 của Bộ Xây dựng so với hiện nay rất thấp, không theo kịp đơn giá thị trường”, ông Tuấn Anh nêu.
Đặc biệt, giá vật liệu công bố tại các địa phương khiến “nhà thầu liêu xiêu”. Riêng quý 2/2022, giá mua cát đắp tại dự án của nhà thầu này vượt 66% giá địa phương công bố. Nguyên nhân, do công bố giá địa phương không kịp thời, không sát thực tế hoặc chủ mỏ liên kết tăng giá. Điều này dẫn tới giá gói thầu hơn 600 tỉ đồng, nhưng vượt hơn 60 tỉ đồng.
Rà soát, bỏ các định mức đã lạc hậu
Lắng nghe chia sẻ của các nhà thầu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đồng tình với việc xây dựng, cập nhật định mức trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần phải có công cụ mới, nghiên cứu theo phương pháp mới, trong đó cần lấy số hóa làm gốc.
Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch sử dụng BIM (số hóa thông tin công trình). Các công trình quan trọng quốc gia, loại A buộc phải áp dụng BIM, từ khâu chuẩn bị vật liệu đến thi công, quản lý máy thi công, công nghệ thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán.
Ngay sau hội nghị, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT sẽ thành lập tổ công tác với nòng cốt là Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) và Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT).
Đối với một số định mức chưa phù hợp, còn thiếu hoặc chưa cập nhật công nghệ mới, hai bộ sẽ triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh. Ngay trong quý 1/2024, Bộ Xây dựng dự kiến ban hành bổ sung 318 mã định mức. Đồng thời, phối hợp rà soát hơn 500 định mức được cơ quan Bộ GTVT đề nghị ban hành để đảm bảo tính pháp lý, tránh sự trùng lắp và xác định rõ thẩm quyền ban hành. Những quý tiếp theo, hai bộ sẽ tiếp tục phối hợp xác định các định mức cần phải ban hành thêm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, địa phương rà soát định mức hiện tại, đề xuất các định mức còn lạc hậu, còn thiếu trên tinh thần trung thực, khách quan. Trên cơ sở đó, tổ công tác của hai bộ sẽ tiếp nhận và đưa ra câu trả lời rõ ràng, định mức nào cần rà soát, định mức nào không ban hành lại.