Kẹt nhà vệ sinh vì 2 – 3 tuyến dồn 1 trạm dừng
Ban quản lý Dự án 6 (Ban QLDA6) vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Theo đó, trong số 36 trạm dừng nghỉ được đề xuất đưa vào quy hoạch, có 6 trạm đang khai thác sử dụng và 3 trạm đang đầu tư xây dựng được đề nghị giữ nguyên vị trí. Với các trạm còn lại từng được lên kế hoạch triển khai nhưng hiện chưa đầu tư, Ban QLDA6 kiến nghị Bộ phê duyệt hệ thống mạng trạm dừng nghỉ gồm 27 vị trí, bao gồm 3 trạm trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Đối với trạm hầm Đèo Cả tại Km 1+000 và trạm tại Km 12+000 thuộc Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, do khoảng cách quá gần và được hoạch định là trạm dừng chân, nên đơn vị được giao lập quy hoạch kiến nghị không đưa vào mạng trạm.
“Hiện nay, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông (đã đưa vào khai thác và đang đầu tư) chưa bố trí các chỗ dừng xe dọc tuyến. Trong phạm vi nghiên cứu mạng trạm dừng nghỉ không bao gồm các chỗ dừng xe dọc tuyến trên cao tốc. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra các tuyến cao tốc đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến nghiên cứu bố trí các chỗ dừng xe dọc tuyến tại các vị trí có cảnh quan tự nhiên nổi bật để phục vụ quảng bá và khai thác du lịch cho địa phương. Trên cơ sở đó, Ban kiến nghị Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án các dự án thành phần rà soát, lựa chọn một số vị trí (nằm xen kẽ giữa các trạm dừng nghỉ) có điều kiện địa hình, cảnh quan phù hợp, từ đó báo cáo đề xuất Bộ GTVT bổ sung vào dự án”, lãnh đạo Ban QLDA6 nêu rõ.
Thông tin triển khai mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc được các tài xế đặc biệt quan tâm, bởi trước khi các tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được thông xe, không ít bác tài và người dân đã phải khốn khổ vì tình trạng đi hàng trăm ki lô mét trên cao tốc mà tìm đỏ mắt không có trạm dừng.
Lần đầu tiên chạy xe từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) về TP.HCM, đoàn công tác của chị Thanh Nga (TP.HCM) chia làm 4 xe bắt đầu khởi hành từ 14 giờ, dự tính trên đường sẽ “hội quân” tại trạm dừng trên đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận để xử lý nốt công việc. Tuy nhiên, chạy miệt mài mà 2 bên đường chỉ thấy ruộng đồng. “Chạy gần 30 km đến cao tốc, thêm hơn 50 km cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mà vẫn không có trạm dừng nào. Đến khi nhập vào tiếp đoạn Trung Lương về TP.HCM, chúng tôi vẫn hoang mang không biết có bỏ sót chỗ nào không. Rồi cả tuyến sau cũng như vậy luôn, mãi khi tới Long An, gần về TP.HCM rồi mới thấy trạm dừng. Khi đó cũng đã muộn nên đi luôn về TP chứ còn dừng làm gì nữa. May trong đoàn toàn người lớn, không ai mắc vệ sinh chứ đi gia đình có người già, con nhỏ mà chạy cao tốc hun hút không có điểm dừng thế này thì chết”, chị Nga cảm thán.
Anh Nguyễn Văn Trọng (Hà Nội)
Toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, và sắp tới sẽ là Mỹ Thuận – Cần Thơ hình thành tuyến thông suốt TP.HCM – Cần Thơ có tổng chiều dài khoảng 135 km, song chỉ có một trạm dừng chân trên tuyến TP.HCM – Trung Lương, được đặt tại Km 28+200 (H.Thủ Thừa, Long An). Trạm dừng chân này cũng phải chờ tới 7 năm sau khi cao tốc TP.HCM – Trung Lương khánh thành mới được đưa vào khai thác. Trong suốt 7 năm đó, không ít tài xế đã phải bất khả kháng cho xe rẽ xuống các nút giao để hành khách giải quyết nhu cầu cá nhân, rồi quay đầu trở lại cao tốc.
Mới nhất, hình ảnh hàng dài người xếp hàng chờ tới 30 phút để đi vệ sinh tại trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM – Long Thành trước khi đi vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, được chia sẻ trên các trang xe khiến rất nhiều người bức xúc. Trước đây, trạm dừng này chủ yếu chỉ phục vụ hành khách từ TP.HCM đi Vũng Tàu và số ít đi Phan Thiết nên khá thoải mái, gần như chưa từng xảy ra cảnh ùn tắc. Tuy nhiên, từ khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết đưa vào khai thác, khách đi Bình Thuận, Đà Lạt, Nha Trang… tăng lên rất nhiều. Quan trọng nhất là hơn 250 km toàn tuyến TP.HCM – Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo chỉ có 1 trạm dừng nghỉ này nên tất cả các phương tiện đều có tâm lý dồn vào đây, gây quá tải nghiêm trọng.
Kẹt nhà vệ sinh còn đỡ, không ít người chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hình ảnh nhiều hành khách xuống xe đi vệ sinh “bậy” trên tuyến cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi hướng về Rạch Giá (Kiên Giang). Thay vì có trạm dừng, tài xế buộc phải rẽ hướng vào làn dừng khẩn cấp để giải quyết nhu cầu cấp bách của hành khách. Khách chẳng thoải mái gì khi phải “giải quyết” giữa đường, nhà xe cũng lo ngay ngáy vì có thể bị phạt bất cứ lúc nào. Nhưng biết sao được, nếu không dừng “liều” thì chịu sao nổi khi còn cả quãng đường 40 – 50 km phía trước?
Chạy hàng trăm cây số không có chỗ đổ xăng
So với phía Nam, hệ thống cao tốc các tỉnh phía Bắc hình thành sớm và hoàn chỉnh hơn nhiều nhưng cũng không tránh được nạn thiếu trạm dừng. Đưa vào khai thác hồi tháng 9.2022, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được mệnh danh là cung đường cao tốc đẹp nhất VN, không chỉ đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có trục cao tốc dài nhất nước (176 km) mà còn trở thành một sản phẩm du lịch hút khách siêu độc đáo của tỉnh. Tuy nhiên, chưa kịp trải nghiệm hết công năng của tuyến đường, nhiều tài xế đã phải “mếu máo” khi lưu thông cả đoạn đường dài hàng trăm cây số nhưng không có trạm dừng nghỉ, trạm xăng nào.
“Khi lưu thông hết tuyến Hà Nội – Hải Phòng, xe báo gần hết xăng nên tôi tìm trạm dừng nghỉ ở đoạn sau để bơm nhiên liệu. Nào ngờ chạy gần hết cả tuyến Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn cũng không có trạm nào. Khi gần đến sân bay Vân Đồn, tôi phải điện thoại gọi người thân ra cứu hộ. Kinh nghiệm cho các bác tài đi tuyến này là nếu không bơm nhiên liệu đầy bình trước khi từ Hà Nội chạy cao tốc vào Quảng Ninh, thì sẽ có khả năng cao hết xăng giữa đường”, anh Nguyễn Văn Trọng (trú tại Hà Nội) ngao ngán kể lại chuyến về quê thăm thân nhân tại H.Tiên Yên (Quảng Ninh) hồi cuối năm ngoái.
Là người thường xuyên chạy xe đường dài và đã đi du lịch nhiều nơi, anh Trọng dẫn chứng ở Nhật Bản hoặc các nước châu Âu rất chú trọng đầu tư cho các trạm dừng trên cao tốc. Đây không chỉ là nơi để tài xế dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu, hành khách đi vệ sinh mà còn trở thành trung tâm mua sắm đồ lưu niệm, sản vật địa phương và quy tụ rất nhiều nhà hàng, quán ăn trên nền diện tích mặt bằng cực rộng. Tại Nhật Bản, nhiều trạm dừng chân còn được chú trọng rất nhiều về thiết kế, kiến trúc, trở thành một trong những điểm đến được rất nhiều hướng dẫn viên du lịch hào hứng giới thiệu, thuyết minh cho du khách.
“Vì lý do an toàn, một vài quốc gia quy định tài xế không được chạy liên tiếp quá 2 – 3 giờ đồng hồ nên trạm dừng chân là một trong những hạng mục rất quan trọng, gần như là bắt buộc. Trạm dừng chân không chỉ là nơi để hành khách giải quyết các nhu cầu tối thiểu như đi vệ sinh, ăn uống hay nhu cầu tăng thêm như mua sắm, ngắm cảnh… mà còn để đảm bảo an toàn giao thông. Cao tốc ở mình đường hẹp, ít làn, một số tuyến còn không có cả đường tránh nên rất cần thiết đảm bảo đúng quy định về bố trí trạm dừng, nghỉ”, anh Nguyễn Văn Trọng nói.
Theo quy hoạch ban đầu, trên toàn tuyến cao tốc gần 200 km này sẽ bố trí 4 – 5 vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ, bao gồm cả cây xăng, sau đó thống nhất đặt 2 vị trí nhưng do chưa tính toán được phương án tài chính phù hợp nên các công trình vẫn chưa triển khai ngay được.
Tương tự, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64 km đã hoạt động được 3 năm, nhưng chưa có điểm dừng nghỉ cho tài xế nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu. Thống kê của đơn vị vận hành cao tốc, lưu lượng trên tuyến khoảng 6.000 – 8.000 lượt xe mỗi ngày. Vị trí trạm dừng đã được địa phương xác định nhưng chưa triển khai.
Cấp bách nhưng không thể làm cho có
Theo Tiêu chuẩn quốc gia 5729:2012 về thiết kế đường cao tốc, khoảng từ 15 – 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Tại đây, người đi đường có thể dừng xe nghỉ ngơi, ngắm cảnh tự nhiên và bảo dưỡng xe. Khoảng từ 50 – 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn). Khoảng cách từ 120 – 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn). Nếu so với bảng quy chuẩn trên thì hơn 2/3 các tuyến cao tốc của VN đã đưa vào khai thác hiện chưa đạt tiêu chuẩn.
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với lĩnh vực giao thông tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ trên một số tuyến đường cao tốc hơi chậm, có nhiều bất cập. Nhiều tuyến cao tốc đã làm có trạm dừng nghỉ, nhưng có một số tuyến, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông hiện đang thiếu. Nhận diện được điều này nên ngay từ đầu năm Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt làm bù, xây dựng thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương xây dựng các các trạm dừng nghỉ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cam kết với các đại biểu khi hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ có đầy đủ các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch đưa vào khai thác, vận hành.
“Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư tiếp cận và quan tâm, nhưng họ cũng mong muốn cơ quan quản lý xác định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn của các trạm dừng để đầu tư một cách chuyên nghiệp, bài bản, tăng khả năng thu hồi vốn, sinh lợi nhuận. Tất cả các công việc đang được làm song song, quyết liệt triển khai với mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thiện toàn bộ cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn để tổ chức đấu thầu lựa chọn được các nhà đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ đã được đưa vào hồ sơ”.
Đại diện Bộ GTVT
Trạm dừng nghỉ là hạng mục phụ trợ của cao tốc
Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm nghỉ trên cả nước, theo tiêu chuẩn VN và thông lệ thế giới. Theo đó, trạm dừng nghỉ sẽ được xem như hạng mục phụ trợ của cao tốc. Điều này nhằm triển khai nhanh các trạm dừng nghỉ, tránh việc các trạm dừng quy hoạch lộn xộn, manh mún. Ngoài ra, để hấp dẫn nhà đầu tư, cần chuẩn hóa thiết kế trạm dừng nghỉ theo công năng sử dụng và nên xác định trạm dừng nghỉ không chỉ phục vụ hành khách mà phải thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ
Việc lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ đã được quy định rõ tại Thông tư số 01/TT-GTVT. Ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, các nhà đầu tư phải có giá trị đề nghị trúng thầu, phải có đề xuất tổng chi phí thực hiện dự án (M1) không thấp hơn (m1) được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu; có đề xuất giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án (M2) không thấp hơn (m2) được xác định trong hồ sơ mời thầu; có đề xuất giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành (M3) không thấp hơn giá sàn (m3) và cao nhất.
Tính toán phục vụ xe điện
Trạm dừng không chỉ còn là nơi để tài xế và hành khách ghé vào đi vệ sinh, dừng chân, ăn uống mà còn phải tính toán tới các khu vực để sạc điện khi xu hướng phát triển phương tiện giao thông chạy bằng điện dang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Rồi phải có khu vực để lái xe ngủ qua đêm, khu vực cho lái xe đường dài ngủ hoặc có những trung tâm dịch vụ, vui chơi, thư giãn để giải tỏa áp lực cho tài xế cũng như hành khách sau một hành trình dài…
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT cho biết: từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường bộ cao tốc, trên bản thiết kế đã xác định vị trí đặt trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, đây là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông và có quy mô lớn. Do đó, khi quy hoạch, tính toán xây dựng các tuyến cao tốc, không thể đưa được các hạng mục này vào vì sẽ làm tăng tổng mức đầu tư của dự án lên rất cao. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng xác định trạm dừng, nghỉ là hợp phần ưu tiên kêu gọi xã hội hóa, thay vì sử dụng ngân sách đầu tư ngay cùng các tuyến cao tốc. Song do các quy định của pháp luật giai đoạn trước chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ với việc xây dựng đường cao tốc.
Để giải quyết các bất cập, đầu năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do Bộ GTVT quản lý. Công tác quan trọng nhất hiện nay là phải rà soát lại quy chuẩn và tiêu chuẩn của các trạm dừng nghỉ đáp ứng nhu cầu dài hạn trong tương lai.
“Nhu cầu cần có trạm dừng nghỉ đương nhiên không cần phải bình luận thêm, nhưng không phải do cấp bách quá mà đấu thầu “đại” để làm cho có. Quan điểm của Bộ GTVT là tìm kiếm những nhà đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, không chỉ đơn thuần là những đơn vị có đủ tiền làm. Như vậy mới tạo ra được hệ sinh thái trạm dừng nghỉ có lợi ích lâu dài, đáp ứng được mọi nhu cầu cả ở hiện tại và trong tương lai”, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.