Cố tình che dấu thông tin để lạm thu, dạy thêm trái phép
Website của một số nhà trường phổ thông tại Hà Nội hầu như không công khai thông tin thu chi, rất khó để biết được thời khóa biểu, các thông tin thu chi đầu năm của nhà trường, thực đơn nhà bếp mặc dù những thông tin này yêu cầu bắt buộc công khai.
Đơn cử như Trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội thời khóa biểu trên website được cập nhật từ năm 2012. Tương tự như vậy trên website của Trường Tiểu học Thành Công A, những thông tin trên đều không thấy. Việc các nhà trường không lựa chọn công khai thông tin trên website là một trong những cách nhiều nhà trường cố tình che dấu lạm thu và hoạt động dạy học liên kết trong giờ chính khóa. Tìm cách hạn chế tối đa công khai trên website như một cách “vô hiệu hóa” sự giám sát của xã hội để “tự tung, tự tác” trong thu chi, dạy thêm học thêm.
Anh Nguyễn Quang Anh ở Đống Đa, Hà Nội cho rằng, cần thiết phải công khai các thông tin như thu chi đầu năm, thời khóa biểu lên website để cơ quan quản lý, người dân và các tổ chức xã hội giám sát hoạt động của nhà trường. Không thể yêu cầu bắt buộc công khai nhưng các thông tin nhà trường lại không đưa lên website. Như vậy, xã hội giám sát hoạt động của nhà trường bằng cách nào?
Đồng quan điểm, chị Lê Thị Hoa ở Nam Từ Liêm cho rằng, thực tế các thông tin nhà trường luôn trao đổi với phụ huynh. Nhưng chị muốn nhà trường đăng công khai lên website để mọi người đều biết. Nhà trường nào không công khai trên website chứng tỏ đang có vấn đề, muốn che dấu.
Qua thực tiễn cho thấy, chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì nhiều vụ việc lạm thu, ép học sinh học thêm, tổ chức dạy học liên kết sai quy định mới bị phanh phui. Nhưng những vụ việc báo chí phản ánh cũng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lạm thu hiện nay.
Bộ yêu cầu công khai lên website
Nắm bắt được toan tính của các nhà trường, mới đây Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT). Trong dự thảo, theo PGS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng Bộ GD&ĐT, về hình thức và thời điểm công khai, Dự thảo Thông tư đã bỏ quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai ở cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non chưa có cổng thông tin điện tử), mà thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, Dự thảo còn quy định cụ thể hơn thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là liên tục 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai.
“Minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục, đây chính là mục đích chính của công khai.
Công khai theo đúng quy định pháp luật nhưng đơn giản hóa các thông tin công khai, hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung, giảm biểu mẫu để góp phần thực hiện cải cách hành chính. Là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục” – ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.
Triển khai càng sớm càng tốt
Bàn về dự thảo lần này của Bộ GD&ĐT, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng trị cho rằng, việc công khai là yêu cầu bắt buộc tại các nhà trường hiện nay.
Bà cho rằng, trước khi dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc có quy định bắt buộc công khai các khoản thu chi và nhiều thông tin khác lên lên website của nhà trường thi nhiều đơn vị đã làm việc này.
Việc công khai minh bạch là yêu cầu bắt buộc trong các nhà trường, giờ buộc phải công khai lên website là điều rất hợp lý. “Tôi hoàn toàn ủng hộ các nhà trường công khai lên website. Trước đây, các nhà trường đã công khai tại cơ sở giáo dục để phụ huynh nắm bắt thì nay công khai rõ ràng hơn trên website sẽ khiến cho môi trường giáo dục minh bạch hơn, xã hội hiểu hơn về giáo dục và đồng hành cùng nhà trường” – Tiến sĩ Lê Thị Hương nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT, không cần đợi cho dự thảo Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thay thế Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT) có hiệu lực thì các nhà trường mới công khai lên website của mình. “Tôi cho rằng, cần thiết các khoản thu đầu năm, thời khóa biểu, dạy thêm học thêm nên công khai từ bây giờ. Điều đó tăng tính minh bạch trong giáo dục, tạo sự đồng thuận hơn nữa của xã hội đối với nhà trường và giáo dục” – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm.
Qua trao đổi với phụ huynh, lãnh đạo giáo dục địa phương và Bộ cho thấy việc công khai trong cơ sở giáo dục là bắt buộc. Hình thức công khai trên website bắt buộc sẽ chấm dứt tình trạng các nhà trường dấu thông tin để lạm thu, tổ chức dạy thêm học thêm trái phép.
Công khai góp phần chống lạm thu trong trường học Theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Việc chống lạm thu trong trường học, rộng hơn là phòng, chống tham nhũng được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó Thông tư này (nếu được ban hành) là một cơ sở quan trọng để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục, đồng thời là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục. Qua đó việc ban hành Thông tư này sẽ có đóng góp/tác động vào. |