Bạn đọc Tuổi Trẻ Online bày tỏ bất bình khi chủ cơ sở trồng giá bằng hóa chất độc hại ở Huế chỉ bị phạt tiền, vì giá trị của lô giá chưa đạt đến mức phải khởi tố hình sự.
Đề nghị khởi tố hình sự chủ cơ sở trồng 750kg giá bằng hóa chất
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Công an TP Huế đã phát hiện cơ sở sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine (chất kích thích tăng trưởng) để trồng giá ở số 7/1/56 Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế do ông Lê Thanh Vũ (67 tuổi) làm chủ.
Ông Vũ khai nhận đã mua hóa chất trên tưới lên giá để kích thích thân giá phát triển bọng nước, ngắn rễ rồi bán ra thị trường TP Huế.
Sau khi kiểm tra, công an phát hiện 750kg giá đang được trồng theo cách này tại cơ sở của ông Vũ.
Sau khi đem mẫu đi giám định, Công an TP Huế chỉ đề xuất xử phạt hành chính với số tiền 45 triệu đồng và đình chỉ cơ sở 2 tháng vì hành vi không thể chấp nhận trên.
Lý do theo quy định, giá trị của 750kg giá thu giữ tại cơ sở có giá bán ra thị trường không quá 10 triệu đồng, do vậy không đủ cơ sở để khởi tố vụ án. Nếu ông Vũ còn tái phạm, cơ quan công an mới có đủ cơ sở để khởi tố.
Bày tỏ thái độ bất bình trước thông tin trên, bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho rằng chủ cơ sở trồng giá bằng hóa chất không bị khởi tố hình sự là coi nhẹ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo bạn đọc Nguyễn Hữu Thuận, mức phạt như vậy là quá nhẹ cho sức khỏe của con người. Bạn đọc Vũ Hoàng thì bình luận: “Đề nghị khởi tố, vì hậu quả đến sức khỏe người tiêu dùng là không thể đong đếm”.
“Nhất trí với các ý kiến cần xử lý hình sự trường hợp này cũng như các vụ việc khác. Tôi chỉ đơn cử như say rượu lái xe, rải đinh trên đường… Cần xử lý nặng để có thể làm gương cho người khác”, bạn đọc Nguyễn Lê Quang viết.
Luật sư đề nghị sửa đổi chế tài xử phạt
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) nhận định việc công an đề xuất xử phạt hành chính cơ sở trồng giá bằng hóa chất độc hại như trên là đúng quy định.
Theo ông Hạnh, căn cứ theo quy định tại nghị định 115/2018 (sửa đổi bởi nghị định 124/2021), các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền, mức tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra các hình thức xử phạt bổ sung có thể được áp dụng, như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Với xử lý hình sự, căn cứ điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các hành vi vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 4 khung hình phạt.
Trong đó khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu, hóa chất bị cấm hoặc không đảm bảo an toàn với giá trị 10-100 triệu đồng.
Trong trường hợp này, ông Hạnh nhận định do giá trị của lô giá được phát hiện trồng bằng hóa chất có giá trị không quá 10 triệu đồng, nên cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự theo điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
“Tuy hành vi trên không thể chấp nhận được, coi thường đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nhưng chúng ta vẫn phải tuân thủ các quy định của luật pháp hiện hành. Pháp luật phải dựa trên sự định lượng, chứ không thể định tính”, ông Hạnh nói.
Qua vụ việc, ông Hạnh cho rằng chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất, chế biến thực phẩm còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe và phòng ngừa vi phạm.
“Nên cần sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và khởi tố vụ án hình sự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nếu số tiền gây thiệt hại dưới mức 10 triệu đồng giá trị hàng hóa vi phạm nếu gây hậu quả tổn hại nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hạnh nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-binh-vi-chu-co-so-trong-gia-bang-hoa-chat-chi-bi-phat-tien-khong-khoi-to-20241227132834354.htm