Các hãng tàu cần thực hiện nghiêm túc quy định về giá cước vận chuyển container Doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên vì cước tàu biển đột ngột tăng |
Cước vận tải tăng thẳng đứng
Ông Vincent Clerc – CEO Tập đoàn vận tải biển khổng lồ Maersk (Đan Mạch) – cho biết, chi phí vận chuyển container tăng ‘gần như thẳng đứng’ trong tháng qua. Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 6/6, chỉ số cước vận tải container của Drewry tăng 12% lên 4,716 USD cho mỗi FEU (container 40ft), tức tăng 181% so với cùng kỳ và cao hơn 232% so với mức trung bình năm 2019.
‘Bắt bệnh’ lý do giá cước tàu biển tăng cao từng ngày |
Ví dụ, cước phí trên tuyến Thượng Hải đến Genoa đạt 6,664 USD mỗi FEU, tăng 213% so với một năm trước. Ngoài ra, cước phí trên tuyến Thượng Hải đến New York gần đây đạt 6,463 USD mỗi FEU, tăng khoảng 142% so với cùng kỳ, trong khi cước phí trên tuyến Thượng Hải đến Los Angeles gần đây đạt 5,975 USD mỗi FEU, tăng khoảng 215% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thống kê từ đầu tháng 6/2024, giá vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua.
Còn theo dữ liệu từ sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata, giá cước tuyến TP. Hồ Chí Minh đi Hoa Kỳ đang tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ số container thế giới của Drewry (WCI) tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet trong tuần từ ngày 30/5 tới ngày 6/6 và tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ Thượng Hải đến Genoa, giá cước đã tăng 17% ở mức 6.664 USD/container 40 feet. Giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 6% lên 7.214 USD/container 40 feet.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – thông tin, các tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới từ Biển Đỏ đến vịnh Aden bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột địa chính trị ngày càng leo thang ở Trung Đông. Lâu nay, eo biển Mandab – một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới với năng lực xử lý khoảng 15% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu – đã bị gián đoạn đáng kể do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu hàng trong thời gian qua. Phần lớn các tàu hàng vẫn tránh di chuyển vào khu vực Biển Đỏ, với số lượt di chuyển hàng ngày giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tình trạng hạn hán ở kênh đào Panama – nơi xử lý 5% giá trị thương mại hàng hải toàn cầu – dần cải thiện khi số lượt vận chuyển hằng ngày đã tăng lên. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển qua kênh đào Panama vẫn thấp hơn mức trung bình hằng ngày thông thường là 34 – 40 lượt quá cảnh và lưu lượng hàng hóa được kỳ vọng sẽ trở lại vào năm 2025. Mới đây lại xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại Singapore dẫn đến lo ngại về khủng hoảng chuỗi cung ứng, giá hàng hóa tăng.
“Tắc nghẽn tại Singapore xuất phát nhiều yếu tố, từ xu hướng thay đổi tuyến vận chuyển khi Biển Đỏ bất ổn đến làn sóng gấp rút vận chuyển hàng trước lúc thuế suất mới mà Hoa Kỳ áp đặt với hàng Trung Quốc có hiệu lực”, ông Trương Đình Hòe chia sẻ.
Nhiều chuyên gia đầu ngành nhận định, việc Hoa Kỳ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8/2024 khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn. Do đó nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn với các hãng tàu để đảm bảo được chỗ trên các tàu đi Hoa Kỳ và châu Âu.
Các doanh nghiệp phía Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 slot trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD. Vì vậy các hãng tàu hiện gần như đã ưu tiên phần lớn cho phía Trung Quốc, rút bớt chuyến với các nước trong đó có Việt Nam, dẫn đến thực trạng tăng giá khủng như hiện nay.
Ông Đỗ Ngọc Tài – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Tài Kim Anh – thông tin, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Hoa Kỳ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tương tự, với thị trường EU, cước tàu tăng đột biến 60% do phải đi vòng, Trung Quốc gom container rỗng để xuất vào Hoa Kỳ.
Trong ngành hàng Hồ tiêu và cây gia vị, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam – thông tin, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đang gặp khó khăn kép khi giá tiêu tăng cao doanh nghiệp không mua được hàng, cùng với đó, chi phí vận tải tăng cao. Nguyên nhân có thể do phía Trung Quốc gom container rỗng để xuất khẩu.
Thu hẹp biên lợi nhuận của doanh nghiệp
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thông tin giá cước một container đi thị trường Hoa Kỳ từ gần 3.000 USD nay tăng vọt lên gần 7.400 USD; phí mùa cao điểm mọi năm cao nhất khoảng 300 USD/container, nay hãng tàu báo tăng lên 1.000 USD/container… Cước tàu biển biến động từng ngày. Các hãng tàu cũng báo giá theo tuần thay vì từ 15 – 30 ngày như trước đây.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt gần như không có sự lựa chọn bởi về vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hiện chỉ đang đảm nhận vận chuyển khoảng 10% thị phần, chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
Đáng chú ý, theo ông Vincent Clerc, với tình trạng giá cả tăng mạnh như trên, có thể thúc đẩy thêm nhiều nhà bán lẻ ở phương Tây tìm cách vận chuyển hàng hóa phục vụ mùa mua sắm Giáng sinh với khối lượng lớn hơn và sớm hơn bình thường. Việc này có thể gây thêm áp lực leen chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc các nhà bán lẻ để bổ sung hàng tồn kho sớm hơn, họ sẽ rơi vào cảnh tréo ngoe. Càng cố gắng yêu cầu nhập hàng sớm để tránh nhận hàng trễ, họ lại càng chứng kiến nhiều sự chậm trễ hơn.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký VASEP – cho biết, phí vận tải biển đang được ghi nhận tăng trở lại gây khó cho ngành thuỷ sản. Bởi doanh nghiệp trong ngành chủ yếu hoạt động xuất khẩu, mỗi năm sử dụng hơn 1 triệu container, nhưng hiện tại, để đặt được container là rất khó.
Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT công ty CP thực phẩm Sao Ta – cho hay, đối với cước vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá 100% so với thời kỳ thấp điểm, trong khi các tuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia giá ổn định hơn. Giá cước tăng sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, Cục Hàng hải Việt Nam vừa yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá); việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá theo quy định tại Nghị định số 146 của Chính phủ.
Các đơn vị được giao theo dõi và báo cáo Cục khi có tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển, cũng như khi có bất thường về mất cân bằng vỏ container phục vụ hàng xuất nhập khẩu.
Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với Chi cục Hàng hải tại Hải Phòng cùng các Cảng vụ Hàng hải tại TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng theo dõi số liệu thống kê về việc tăng/giảm giá, phụ thu ngoài giá đối với một số hãng tàu có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu và Hoa Kỳ, bao gồm: Maersk, MSC, CMA- CGM, ONE, Hapag-Lloyd, Evergreen, HMM, COSCO, Yang Ming, OOCL…
Đồng thời, chủ động làm việc với đại diện các hãng tàu trên tại Việt Nam và các đơn vị có liên quan để nắm bắt nguyên nhân tăng/giảm giá dịch vụ khi có dấu hiệu tăng/giảm mạnh và các vấn đề liên quan khác đến hãng tàu.
Nguồn: https://congthuong.vn/bat-benh-ly-do-gia-cuoc-tau-bien-tang-cao-tung-ngay-325713.html